Chuẩn bị gì cho kỳ thi lớp 10 ?

Bích Thanh
Bích Thanh
20/04/2020 07:04 GMT+7

Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP.HCM năm 2020 là 70%. Trong tình hình nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, học sinh cần ôn tập thế nào cho kỳ thi lớp 10 dự kiến diễn ra giữa tháng 7?

Học theo chủ đề môn toán

Như Thanh Niên đã đưa tin, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết cấu trúc đề thi năm 2020 sẽ tương tự năm 2019. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh (HS) phải nghỉ kéo dài nên sau khi đi học trở lại, HS học kiến thức đến đâu sẽ thi đến đó. Với những định hướng đó, các giáo viên có kinh nghiệm của TP.HCM đã đưa ra những lời khuyên cụ thể để giúp HS có thể tự tin bước vào kỳ thi.
Từ cấu trúc đề thi môn toán, giáo viên Đặng Hữu Trí, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết đề có 8 câu, trong đó câu 1, 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình các em cẩn thận nhìn đúng dấu, biến đổi từng bước, tính toán thật chính xác sẽ lấy được trọn điểm phần này. 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế dàn trải ở các mức độ vẫn gắn với kiến thức đã học. Câu 8 là toán chứng minh hình học gồm 3 câu hỏi nhỏ với 2 câu đầu là kiến thức thông hiểu, vận dụng, câu cuối là vận dụng cao.
Trong giai đoạn này, HS nên dành thời gian tập trung ôn tập theo chủ đề, chuyên đề có trong đề thi tuyển sinh lớp 10. Chẳng hạn, đối với môn toán, có thể ôn tập các chủ đề, chuyên đề như đại số chủ đề về hàm số bậc hai, đồ thị Parabol; hệ phương trình, phương trình bậc hai; hệ thức Vi-ét và ứng dụng; các dạng giải bài toán bằng cách lập hệ phương trình, phương trình; các dạng toán thực tế quen thuộc (liên quan đến lãi suất, phần trăm…). Còn hình học như chủ đề về các góc với đường tròn; tứ giác nội tiếp; độ dài đường tròn, cung tròn, diện tích hình tròn; các hình không gian của lớp 9 (hình trụ, hình nón, hình cầu), lớp 8 (hình hộp chữ nhật, hình lăng trụ đứng, hình chóp).
Thầy Hữu Trí nhấn mạnh, tùy vào năng lực của mỗi HS sẽ có cách tự học và cách tiếp thu kiến thức riêng nhưng HS luyện tập cho thuần thục các dạng toán quen thuộc rồi nâng dần khai thác các dạng khác, chớ nên tập trung làm hết bài này đến bài khác mà không rút được kinh nghiệm làm từng bài. Bên cạnh đó, phải giữ gìn sức khỏe và tinh thần thoải mái để tập trung giải quyết các chủ đề, chuyên đề thật tốt, đặc biệt là các chủ đề về hình học.

Rèn văn hay

Trước khi đưa ra những hướng dẫn học môn văn, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), chỉ ra rằng ở phần đọc hiểu, nhiều HS có quan điểm sai lầm là phần bài tập thuộc phân môn tiếng Việt. Thật ra, đây là bài tập tổng hợp cả 3 phân môn: văn học, tiếng Việt và tập làm văn. Do vậy, để đạt điểm cao phần này, HS cần ôn tập đầy đủ cả 3 phân môn.
Với phân môn tiếng Việt, HS nên giải lại các bài tập trong sách giáo khoa để củng cố kiến thức, chủ yếu là nội dung tiếng Việt lớp 9. Phần tiếng Việt những lớp dưới, cần nhắc lại các biện pháp tu từ (ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…). Trong phân môn tập làm văn, cần rèn kỹ năng viết đoạn văn, chú ý một số dạng câu hỏi về xác định phương thức biểu đạt, nêu chủ đề của văn bản/đoạn trích, xác định câu chủ đề của văn bản/đoạn trích, đặt nhan đề cho văn bản/đoạn trích, xác định các phép liên kết hình thức…
Đối với phân môn văn học, HS cần ghi nhớ tên tác giả, tác phẩm, tránh nhầm lẫn tên tác phẩm và tên đoạn trích. Chú ý phân biệt thể loại (truyện, thơ, kịch, ký) và nắm chắc nội dung, ý nghĩa, nghệ thuật cơ bản của tác phẩm.
Ở phần nghị luận xã hội, HS cần nắm chắc phương pháp làm 2 dạng bài nghị luận xã hội, đó là nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống và nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lý. Muốn vậy, khi ôn tập, thầy Bảo lưu ý phân biệt khái niệm, cách làm của từng dạng. “Hãy đọc nhiều đề bài, tham khảo nhiều bài mẫu để phân biệt được yêu cầu viết văn bản theo dạng bài nào, tránh nhầm lẫn. Đặc biệt, để có những dẫn chứng hay, thuyết phục cho bài văn nghị luận xã hội, các em nên thường xuyên theo dõi tin tức thời sự trên các kênh chính thống để có thêm hiểu biết xã hội và cái nhìn đầy đủ, toàn diện trước một vấn đề nghị luận”, thầy Kim Bảo khuyên.
Cuối cùng, khi ôn tập phần văn nghị luận văn học, HS cần nắm những lưu ý riêng trong thơ và truyện. Cụ thể, ở tác phẩm truyện, cần nắm rõ cốt truyện, tóm tắt tác phẩm, đoạn trích, học thuộc một số dẫn chứng tiêu biểu để đưa vào bài. Chú ý ý nghĩa các chi tiết trong truyện. Bài nghị luận văn học là phân tích, lý giải, bàn luận về các chi tiết chứ không phải thuật lại các chi tiết trong truyện.

Môn tiếng Anh, tự học ôn tập từ vựng

Tương tự, cô Nguyễn Thị Xuân Oanh, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh), cho hay với định hướng ra đề thi môn tiếng Anh của Sở trong thời gian qua cho thấy, không có cơ hội đạt kết quả cao nếu thí sinh trông chờ vào học tủ, học vẹt. Đề thi tập trung vào những yêu cầu về ngữ nghĩa từ vựng, ứng dụng từ vựng vào những tình huống thực tế. Vì vậy, thời gian tự học là một lợi thế để ôn tập từ vựng thật kỹ. Thế nên, bên cạnh việc rèn từ vựng một cách nhẹ nhàng ngay cả những lúc giải trí như xem phim, đọc sách, nghe nhạc... thì HS làm thêm các dạng bài tập về mảng nội dung này.
Cô Xuân Oanh cũng nhấn mạnh, để học hiểu và nhớ lâu từ vựng, HS phải viết từ vựng và thể hiện, rèn khả năng phân tích từ vựng trong các ngữ cảnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.