Chủ trường tư: 'Rất khổ tâm khi chấm dứt hợp đồng giáo viên vì Covid-19'

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
18/02/2020 19:04 GMT+7

Học sinh nghỉ học kéo dài, không có nguồn thu chủ nhiều trường tư thục cho biết rất khổ tâm khi buộc phải cắt giảm nhân sự, hoặc cho giáo viên nghỉ không lương trong thời gian này.

Tâm thư “cầu xin tha thứ” của một chủ trường khi cắt giảm nhân sự

Trên Facebook của mình, cô Lê Thị Bé Tuyết, chủ Trường mầm mon Đôrêmi (thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã viết một bức tâm thư rất dài để gửi tới giáo viên của trường. Trong thư, bà cho biết đã trăn trở suốt đêm trước quyết định sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1/3 giáo viên và các nhân viên khác của trường vì không thể “kham” nổi cả bộ máy khi không có nguồn thu từ học sinh.
Bức tâm thư của cô Tuyết viết: “Bỏ một cây hay để phá một vườn, cắt vài nhánh hay để chết cả cây, cả đêm chị trăn trở... Hôm nay, buộc chị phải thông báo cắt giảm biên chế phòng trường hợp nghỉ dài hạn, nghỉ không có hứa hẹn thời hạn, mà chị không nuôi nổi cả guồng máy. Suy xét cả quá trình nỗ lực, đóng góp, cống hiến, các bạn được chọn ở lại vì các bạn xứng đáng. Các bạn nằm trong danh sách cắt giảm vì các bạn chỉ kém nỗ lực hơn các bạn khác chút xíu mà thôi. Và các bạn nhớ rằng, đây chỉ là động tác phòng khi nghỉ dài hạn, nếu trường quay lại hoạt động, và các bạn cũng muốn tiếp tục làm, thì các bạn luôn được chào đón và mức lương như thời điểm hiện tại. Tại sao chị làm vậy? Là vì chị không muốn tước đi cơ hội tìm được công việc có thu nhập cao hơn của các bạn trong thời điểm này”.
Cuối thư, cô Tuyết cũng hy vọng tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, để học sinh có thể quay lại trường. “Mong các em hiểu rằng, chị không muốn mất ai. Cầu xin tha thứ”, chủ Trường mầm non Đôrêmi viết.

Truy tìm “nghi phạm” phát tán virus corona: Dơi, rắn và tê tê?

Chia sẻ với báo Thanh Niên, cô Lê Thị Bé Tuyết cho biết “rất khổ tâm” khi đứng trước quyết định buộc phải cắt giảm nhân sự.

Trường mầm non Đôrêmi có 2 cơ sở, với gần 40 nhân sự. Trước tình hình học sinh nghỉ học kéo dài, nhiều giáo viên của trường đã mất việc

Mầm mon Đôrêmi

Trước đó, để đưa ra quyết định cô Tuyết cũng đã tham khảo cách giải quyết khó khăn của những trường khác. Nhưng thay vì im lặng, chọn cách không trả lương cho nhân viên trong thời điểm này, cô đã thanh toán đủ lương tháng 1 vào ngày 5.2.
Cô chia sẻ, quỹ lương riêng trường (gồm lương và các khoản trích theo lương) là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc (khi học sinh nghỉ học) lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4.420.000 đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường vẫn phải chi khoảng 240 triệu đồng mỗi tháng cho hơn 40 nhân sự.
Nhưng chính bản thân cô Tuyết cũng không biết trường bao giờ có thể trở lại hoạt động, nên suy đi, tính lại cô Tuyết quyết định cắt giảm nhân sự.
Sau khi chia sẻ tâm thư, cô Tuyết nhận được rất nhiều lời động viên, nhưng cũng nhiều người cho rằng bà đã “ác” với nhân viên khi cắt việc trong thời gian này.
“Mọi người cho rằng mình ác, nhưng bên trong thâm tâm là đang bảo vệ người lao động của mình, vì trước khi cho nghỉ mình đã thông báo cho nhân viên trước 30 ngày, nếu thời gian tới họ chưa xin được việc thì họ vẫn có thể nhận được bảo hiểm trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc. Nếu trường hoạt động trở lại, mình sẵn sàng chào đón mọi người quay trở lại”, cô Tuyết nói.

Nhiều trường tư ở TP.HCM cũng cắt giảm nhân sự, cho giáo viên nghỉ không lương

Trước đó, để giải quyết khó khăn, nhiều trường học ở TP.HCM cũng đã họp bàn với giáo viên để tìm cách xoay xở vượt qua khó khăn trong thời gian học sinh nghỉ học kéo dài.

Học sinh ở các tỉnh thành sẽ nghỉ học đến hết tháng 2 để phòng tránh Covid-19. Riêng tại TP.HCM, UBND thành phố đã có kiến nghị cho học sinh nghỉ học tới hết tháng 3

Nguyễn Loan

Bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch HĐQT Trường THCS, THPT Duy Tân (Q.10, TP.HCM), cho biết trường đã họp và thống nhất sẽ không thu học phí của học sinh trong tháng 2, nếu học sinh tiếp tục nghỉ vào tháng 3 trường buộc phải tiếp tục trừ học phí cho các em. Ngoài ra, với những học sinh nội trú đã nhập trường, trường cũng chủ động hỗ trợ tiền tàu xe để các em về quê trong đợt nghỉ kéo dài này.
Để giải quyết khó khăn khi không có nguồn thu, trường này đã họp với toàn bộ giáo viên mà mong được thông cảm. Theo đó, 80% giáo viên của trường đã đồng ý nghỉ việc không lương trong thời gian này.
“Chúng tôi cũng nói thẳng bây giờ trường không đủ kinh phí để trả lương cho giáo viên, mọi người có thể nghỉ hoặc đăng ký nghỉ không lương trong thời gian học sinh nghỉ học”, bà Sơn nói.
Tương tự, cô H.H Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục ở quận Tân Bình cũng đã có quyết định cắt giảm hơn 10 nhân sự trong đợt này vì không có nguồn thu khi học sinh nghỉ học phòng tránh Covid-19. Trong đó, nhân sự bị cắt giảm đợt này gồm nhân viên bảo vệ, cấp dưỡng, nhân viên vệ sinh.
“Trong tháng 3, nếu học sinh tiếp tục nghỉ chúng tôi có thể phải tiếp tục cắt giảm nhân sự là giáo viên hợp đồng, và cố gắng giữ lại những người đã gắn bó lâu năm với trường. Khi sa thải nhân viên, thật sự chúng tôi rất đau lòng, nhưng bây giờ, trường không thể gồng gánh chi phí mặt bằng và lương cho hàng chục nhân viên khi không có bất cứ nguồn thu nào”, cô H.H chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.