Chọn nghề mầm non, phải xem như mình là mẹ của trẻ

07/02/2017 09:16 GMT+7

Câu chuyện hai cô giáo mầm non của Cơ sở mầm non Sen Vàng (P.Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) bạo hành trẻ em tại cơ sở này đã làm xôn xao dư luận những ngày qua.

Công an Q.Hai Bà Trưng đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo quận này vào cuộc điều tra để làm rõ vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện sự việc giáo viên mầm non bạo hành trẻ, mà nó diễn ra nhiều lần trong thời gian qua. Xoay quanh vấn đề này, Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trưởng bộ môn Công tác xã hội Trường CĐ Sư phạm T.Ư - TP.HCM.
Buồn vì chưa tạo ra được những giáo viên đúng chuẩn
Cảm giác của ông như thế nào khi đọc được thông tin hai cô giáo mầm non bạo hành trẻ ở Cơ sở mầm non Sen Vàng?
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long: Với trách nhiệm là một chuyên gia tâm lý, một giảng viên cùng đội ngũ đồng nghiệp đã và đang tham gia vào quá trình đào tạo giáo viên từ bậc mầm non đến bậc trung học, tất cả chúng tôi đều mong muốn đào tạo ra cho xã hội một thế hệ giáo viên yêu nghề mến trẻ. Vì thế, những sự việc như thế này dù ít dù nhiều chúng tôi cũng thấy có trách nhiêm của mình trong đó. Chúng tôi buồn vì chưa tạo ra được những giáo viên đúng chuẩn, có đầy đủ phẩm chất của một nhà giáo chân chính.
Mặt khác, chúng tôi buồn khi có những giáo viên chưa thực sự hy sinh vì nghề nghiệp, chưa thực sự tin vào con đường đi của mình, chưa thực sự yêu mến học sinh của mình…
Suốt thời gian qua, nhiều vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ đã xảy ra. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện buồn này?
Chọn nghề mầm non, phải xem như mình là một người mẹ 2
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long Ảnh: NVCC
Mỗi bậc học đều có những khó khăn đặc trưng, mỗi đối tượng học trò đều có những đặc điểm riêng biệt…, giáo viên cần hiểu rõ để tránh những hành động làm tổn thương các em và làm ảnh hưởng tới vị thế nhà giáo của mình. Riêng với bậc mầm non, chúng tôi cho đây là bậc học khá khó khăn hơn các bậc học khác. Vì ở độ tuổi này, các bé mới chỉ đang gia nhập vào môi trường xã hội nên việc tự ý thức chưa cao. Làm giáo viên ở bậc này rất khó - không chỉ cần kiến thức, kĩ năng dạy học mà là lòng yêu trẻ con còn quan trọng hơn vô vàn.

Ở bậc mầm non này, nhất là với trẻ ở các lớp nhà trẻ, khi trẻ vẫn còn quá nhỏ để thể hiện điều mình cần nói, khi trẻ chưa thể tự phục vụ được bản thân, đòi hỏi cô giáo ở những lớp này vừa có kĩ năng dạy học vừa có kĩ năng chăm bé. Chỉ cần một chút nóng giận thì mọi việc sẽ trở nên xấu hơn.
Phụ huynh cũng thấy rằng chúng ta chỉ nuôi 1 - 2 hoặc 3 đứa con trong nhà đã thấy mệt khi phải dụ các bé ăn, khi bắt các bé ngủ hay phải chăm sóc các bé, huống gì một lớp 2 cô phải chăm ít nhất cũng 20 bé nên việc gặp những áp lực là điều không thể tránh khỏi.
Bên cạnh đó, chuyện cơm áo gạo tiền cũng là một vấn đề ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của các cô giáo. Công việc thì cực, chưa kể các yêu cầu khác từ phía phụ huynh nhưng lương được trả thì không cao nên đôi lúc các cô có quá nhiều trăn trở mà chưa biết cách sẻ chia nên gom thành nỗi buồn và dễ dàng tìm cách trút buồn, trút giận…
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là bản thân của mỗi giáo viên. Các cô giáo mầm non cần ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình. Ngay từ khi chọn nghề là phải hiểu rõ được đặc trưng của nghề, những khó khăn của nghề…
Đuổi việc không phải là giải pháp tối ưu
Khi sự việc xảy ra, hầu hết các trường đều đuổi việc giáo viên. Theo ông, cách xử lý này có giải quyết triệt tiêu câu chuyện buồn trên? Nên chăng cần xem xét trách nhiệm quản lý và tổ chức hoạt động của những cơ sở xảy ra sự việc, cũng như căn cứ vào đó đưa ra quyết định có đình chỉ hoạt động của nhóm lớp này hay không?
Theo tôi, đuổi việc không phải là giải pháp tối ưu. Vô tình chúng ta đã cắt ngang cuộc sống của giáo viên. Họ sẽ làm gì khi không có việc làm? Vấn đề sẽ trở nên khó khăn và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình của các cô… Nếu được, chúng ta nên có các công việc dự phòng, thuyên chuyển các giáo viên này làm một công việc khác ít liên quan đến trẻ để thử thách và nếu có cải thiện tốt sẽ cho đứng lớp, còn không thì sẽ không bao giờ được đứng lớp để dạy trẻ nữa chẳng hạn…
Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm của các chủ trường, đội ngũ quản lý… Tôi nghĩ, việc đưa tiêu chuẩn không bạo hành trẻ em vào quy định để đình chỉ hoạt động là điều cần thiết. Hay việc cần có những điều luật khắt khe hơn khi xử lý vấn đề này đối với cơ sở hay đội ngũ lãnh đạo cũng là vấn đề cần thực hiện. Anh làm quản lý không tốt nên mới để xảy ra sự việc này thì cũng cần phải có trách nhiệm liên đới... Ví dụ như đối với cơ sở vi phạm thì đình chỉ hoạt động, đối với đội ngũ quản lý thì hạ bậc thi đua, cách chức…
Học kĩ năng từ trường sư phạm và cả khi đã trở thành giáo viên mầm non
Sau các sự việc, giáo viên đều thừa nhận vì thấy trẻ khóc, không chịu ăn, không ngoan... nên không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến việc có những hành vi sai quy tắc đạo đức nhà giáo. Vậy để kiềm chế được cảm xúc, những giáo viên ấy cần làm những gì, học hỏi những kĩ năng nào?
Vấn đề này là cả một quá trình: vừa liên quan đến cá nhân các cô giáo, vừa liên quan đến các trường mầm non vừa liên quan đến cơ quan quản lí bậc mầm non và cả các trường đào tạo giáo viên mầm non.
Nhà trường mầm non hay các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non nên thiết kế chương trình đào tạo kĩ năng phù hợp với đặc trung nghề nghiệp như: kĩ năng thuyết phục trẻ, kĩ năng đánh giá trẻ, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng quản lí cảm xúc… Có thể chia bộ kĩ năng ra thành nhiều cấp độ để đào tạo ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến ngay cả khi đã trở thành giáo viên mầm non….
Thưa ông, cách dạy trẻ bằng đòn roi, ứng xử một cách bạo hành như thế liệu có làm cho trẻ ngoan hơn? Và nếu gặp phải tình huống trẻ chưa ngoan, giáo viên mầm non nên ứng xử như thế nào?
Đòn roi chỉ là giải pháp tức thời của những ông bố, bà mẹ dành cho con mình, còn với tư cách một nhà giáo dục - nhất là giáo viên mầm non - là điều không nên thực hiện. Trẻ còn quá nhỏ đề bị trừng phạt và nhất là trừng phạt trẻ trước đám đông (trước mặt người khác, trước mặt các bạn cùng lớp…).
Khi gặp phải tính huống trẻ chưa ngoan thì giáo viên cần sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của nghề để "dỗ" và thậm chí là có thể lớn tiếng một chút để nghiêm với trẻ. Các giáo viên nên thể hiện các cung bậc cảm xúc như một đứa trẻ: có thể nghiêm một chút, lạnh lùng - im lặng không nói chuyện với trẻ, bày tỏ nỗi buồn để trẻ thấy hay một chút hờn dỗi trẻ chẳng hạn…
Trẻ con rất nhạy cảm nên dễ tổn thương, vì thế giáo viên cần tránh những lời nói thô lỗ, lăng mạ các em hay có những hành động bạo lực với các bé…

Ông có nghĩ rằng qua các vụ việc buồn vừa kể, các cơ sở mầm non cần chú tâm nâng cao kĩ năng cho giáo viên, bằng cách yêu cầu giáo viên tham gia nhiều khóa học kĩ năng chẳng hạn?
Học thì phải học suốt đời. Tuy nhiên, việc học kĩ năng có những đặc trưng riêng và không giống với việc học các kiến thức khoa học. Học kĩ năng là phải thực hành và phải đưa kĩ năng ấy vào trong chính con người mình chứ không phải chỉ học lí thuyết. Vì thế, việc các trường mầm non, các cơ quan quản lí bậc học này quan tâm đến việc thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kĩ năng - nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cũng là một cách làm để hạn chế tình trạng này...
Hoặc chúng ta cũng có thể tổ chức các buổi học, trao đổi về giá trị đạo đức nghề nghiệp, các buổi chia sẻ cách thức xử lí vấn đề trong dạy học hay các hoạt động ngoại khóa cho giáo viên mầm non cũng sẽ giúp cho giáo viên mầm non tăng cường kĩ năng, ý thức hơn về giá trị đạo đức nghề...
Phụ huynh cần làm gì khi con bị bạo hành?
Khi con bị giáo viên bạo hành, nhiều phụ huynh vì xót con đã nổi nóng và có những hành vi đáp trả chưa đúng. Theo ông, phụ huynh cần xử sự thế nào trong trường hợp ấy?
Đây là giải pháp tôi không ủng hộ. “Ăn thua đủ” là mục tiêu phải làm để bảo vệ con mình nhưng không phải là sửng cồ lên bạo lực lại với giáo viên. “Ăn thua đủ” bằng chính sự điềm tĩnh, bằng trí tuệ để vửa bảo vệ con mình nhưng cũng vừa thể hiện tấm gương trước các con.
Nếu phát hiện con mình bị giáo viên bạo hành thì cần nói chuyện trực tiếp với ban giám hiệu và yêu cầu họ giải quyết vấn đề. Nếu họ vẫn không chịu hoặc không có cách giải quyết ổn thỏa thì chúng ta sẽ tính tiếp để nhằm ngăn chặn tình trạng này cho các bé khác, ..
Riêng với các bé thì chúng ta cần “chăm sóc đặc biệt” hơn bằng cách hỏi han, tạo niềm vui cho con, ôm ấp con khi ngủ,… và nếu tình hình căng thẳng hay vấn đề nghiêm trọng thì cho bé nghỉ học vài ngày, đề nghị chuyển lớp, chuyển trường…
Khi trẻ bị bạo hành sẽ gặp phải những hệ lụy, tổn thương nào ạ? Khi đó, phụ huynh cần làm gì để giúp trẻ bình thường, hạn chế tối đa những hệ lụy?
Có hai hình thức chủ yếu khi bạo hành trẻ con: bạo hành về tinh thần (la lối, quát mắng hay hù dọa trẻ…), bạo hành về thề xác (đánh đập, nhốt trẻ…) và dù hình thức nào cũng sẽ gây tổn thương ở trẻ. Nhẹ thì trẻ sợ đến trường, sợ cô, giấc ngủ không ngon... nặng thì tổn thương về mặt tâm lí như trầm cảm hay gây ra đau đớn, thương tật về mặt thể xác.
Với trẻ con - dù chỉ là một vế xước nhỏ ngoài thể xác hay trong tâm hồn, đều gây ra những đau đớn mà trẻ không biết cách nào để giảm bớt. Vì thế phụ huynh cần giúp trẻ thoát khỏi các cảm giác hay sự đau đớn ấy.
Chọn nghề mầm non, phải xem như mình là một người mẹ, người chị của trẻ
Qua những sự việc vừa kể, ông muốn chia sẻ vài lời khuyên dành cho những giáo viên mầm non?
Khi đã chọn nghề giáo viên mầm non là chọn công việc vất vả hơn người khác gấp trăm ngàn lần. Vất vả vì số lượng đầu việc phải thực hiện, vất vả vì những áp lực từ phía nhà trường, gia đình và cả những học trò nhỏ bé của mình.
Trước khi chọn nghề cần phải hiểu rõ đặc trưng của nghề nghiệp, yêu cầu của nghề hay cả những niềm vui hay nỗi buồn của công việc
Chọn nghề mầm non, phải xem như mình là một người mẹ, người chị của trẻ. Một khi mình đã xem các bé là con, là con, là cháu của mình rồi thì mình sẽ thôi làm tổn thương trẻ. Chỉ có tình thương yêu trẻ, tình cảm gắn bó với nghề nghiệp thì mới mong tránh được những cảm xúc tiêu cực để nuôi dưỡng và làm nghề tốt hơn.
Cần nâng lương cho giáo viên mầm non 
Theo ông, cần làm gì và cần sự vào cuộc của những cơ quan, cá nhân nào để có thể triệt tiêu nạn bạo hành trẻ từ các giáo viên mầm non? Và phải chăng cần siết mạnh hơn việc quản lý, cấp phép hoạt động các nhóm lớp độc lập tư thục?
Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, cần cho người học đi thực hành - thực tập chuyên môn nhiều hơn. Xây dựng chương trình đào tạo có nhiều môn nghiêng về đạo đức, giá trị nghiệp và phải cho người học trải nghiệm những giá trị ấy. Mặt khác, tuyển sinh đầu vào cần nhấn mạnh hơn đến tình yêu thương trẻ con, sự hiểu về nghề trước khi để các em quyết định học và theo nghề giáo viên mầm non
Cơ quan quản lí đào tạo giáo viên mâm non cần siết chặt hơn về việc tuyển sinh ngành học này. Đào tạo giáo viên nói chung - và đặc biệt là giáo viên mầm non nên để một số trường có cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên môn sâu về nghề và chuyên về sư phạm để đào tạo giáo viên mầm non. Thường xuyên có những khóa bồi dưỡng kĩ năng - nghiệp vụ để giáo viên mầm non có cơ hội học tập, trao đổi lẫn nhau.
Nâng lương cho giáo viên mầm non hay tăng cường thêm đội ngũ phục vụ (bảo mẫu…) để giảm bớt áp lực công việc cũng là giải pháp lâu dài để hạn chế bạo hành trẻ em.
Xây dựng và thực thi các điều kiện về việc mở trường, nhóm, lớp trẻ mầm non là việc cần làm. Vì đa số các vụ bạo hành trẻ mầm non thường là ở các nhóm - lớp nên việc xem xét cấp phép hoặc rút giấy phép để đình chỉ hoạt động với các cơ sở không đảm bảo an toàn cho trẻ là việc cần làm…
Cảm ơn ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.