Chỗ ngồi của học sinh

27/02/2018 09:38 GMT+7

Xưa có câu 'Ăn giỗ nói việc làng'. Câu chuyện tôi nghe được trong đám giỗ ở quê mới đây khiến ai tham dự cũng phùng mang trợn mắt, đỏ mặt tía tai.

Đó là câu chuyện... chỗ ngồi của học sinh (HS), một phần “tất yếu” trong lối dạy theo mô hình trường học mới (VNEN) nói riêng và dạy học theo chủ đề, tích hợp, liên môn, xuyên môn trong cải cách giáo dục nói chung. 
Xưa HS ngồi hàng ngang, chia thành hai dãy. Thầy đứng trên bục nhìn xuống, HS nhìn lên. Ở vị trí đó, thầy và trò quan sát nhau, tương tác rất tốt, HS chăm chỉ, thông minh, giỏi giang. Nhiều thế hệ cha anh trước đây chứng minh cho điều đó. Nhưng rồi “làn gió mới” VNEN cùng sự đổi mới căn bản và toàn diện nội dung chương trình sách giáo khoa, nhà trường yêu cầu HS kê lại bàn ghế, bỏ kiểu ngồi hàng ngang, chuyển sang ngồi quây lại theo nhóm đối diện nhau để cùng “thảo luận, tìm tòi, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, rút ra kết luận” về những đề tài mà giáo viên (GV) yêu cầu. Hình thức này phát huy tác dụng ở các nước nhưng đến VN thì không phải lúc nào cũng cho thấy hiệu quả.
GV đi loanh quanh gợi ý cho từng nhóm. Nhóm trưởng (là HS khá - giỏi) làm tất, các thành viên khác ngồi chơi hoặc xầm xì nói chuyện riêng. Có người cho rằng đó là kiểu ngồi “ăn giỗ”. Dĩ nhiên HS không nói chuyện làng mà là chuyện... game.
“Vở con tôi trống trơn trừ cái đề bài và mấy cái gạch đầu dòng”. “Con tôi học sa sút hẳn, hay giấu bài kiểm tra vì điểm thấp”. “Đến tối, hỏi sao không thấy học bài, nó nói ở lớp tụi con giải quyết bài học chỉ trong... vài nốt nhạc. Còn... trên cả học bài nữa”. “Ngồi như vậy, đứa ham học thì nản, đứa lười học thì khoái vì đã có tập thể học giùm”...
Những than phiền, bức xúc nói trên là “âm hưởng” chủ đạo của nhóm phụ huynh trong đám giỗ.
Xem thế đủ biết VNEN và cải cách giáo dục đã chạm tới chuyện “nên - hư” của từng HS. Các em là nhân vật trung tâm của quá trình dạy học hay là những con chuột bạch?
Vấn đề chỗ ngồi theo “kiểu mới” của HS đang gây tranh cãi, không chỉ trong phụ huynh mà ngay trong nội bộ GV, nhất là điều kiện bàn ghế ở nhiều trường nông thôn hiện nay vẫn trong tình trạng không đồng bộ, xiêu vẹo, xập xệ và thiếu thốn. Chỗ ngồi không ngay thì học sao nghiêm? Tuy nhiên, điều đó có thể khắc phục được dù mất nhiều thời gian. Chỉ lo một nỗi là đổi mới chỗ ngồi mà cái đầu vẫn cũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.