Chịu đựng và tha thứ khiến phụ nữ Việt Nam bị bạo hành triền miên?

25/11/2019 15:06 GMT+7

Bạo lực đối với phụ nữ luôn là một hiện tượng nhức nhối trong xã hội. Hôm nay (25.11), Ngày Quốc tế loại bỏ bạo hành phụ nữ, hãy lắng nghe những chia sẻ của những phụ nữ đang âm thầm đấu tranh cho quyền lợi của mình để hiểu vì sao phụ nữ dễ bị bạo hành.

Nhiều kiểu bạo hành
“Bạo hành với phụ nữ là một vấn nạn chung không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới. Bạn có thể bắt gặp hình ảnh người chồng bạo hành người vợ bằng những cú đấm, những vật dụng gây sát thương mà không chút mảy may. Có thể đơn cử như vụ việc người chồng đánh vợ rồi quay lại clip hay người chồng võ sư ra tay không thương tiếc với vợ khi người phụ nữ của mình đang bế đứa con. Những hành vi đó rất đáng lên án. Đó là những trường hợp được phát giác và cộng đồng lên án, tôi chắc chắn còn rất nhiều phụ nữ phải nhịn nhục và âm thầm chịu đựng những hành vi tương tự như thế”, Phạm Thanh Hằng , nhân viên truyền thông Công ty FPT, cho biết.
Còn Đoàn Thái Minh Châu, đang làm tại Unilever VietNam), cho biết : Ngoài bạo lực thể chất (kiểu đánh đập, làm tổn thương thể xác), hoặc tình dục (kiểu lạm dụng, sàm sỡ...), còn một kiểu bạo lực khác là tinh thần (kiểu làm người phụ nữ cảm thấy tự ti, mặc cảm về bản thân, hoặc áp đặt phụ nữ là phải thế này thế kia...). Thực tế rất ít có người phụ nữ nào bị bạo hành mà lại lên tiếng, hay tìm người khác giúp đỡ.

Sai lầm khi nghĩ cam chịu, nhẫn nhịn vì con

Về vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), cho biết: “Bạo hành phụ nữ chiếm 95% trong các gia đình. Chúng ta đã có luật Hôn nhân gia đình nhưng người phụ nữ vẫn bị bạo hành. Phụ nữ Á đông với bản tính cam chịu, người ta cố gắng nhẫn nhịn vì con cái và giữ một mái ấm, tuy nhiên việc ấy sẽ khiến đứa con bị tổn thương và sang chấn tâm lý vì phải chứng kiến cảnh cha bạo hành mẹ mình. Khi chúng tôi hỏi người vợ bị bạo hành, câu trả lời chung nhận được đều là họ đành chịu đựng những trận đòn để cho con cái có một mái ấm đủ cha và mẹ để phát triển. Nhưng tôi cũng đặt câu hỏi lại rằng nếu một người cha như vậy có đủ sức để giáo dục đứa trẻ không ? Giải pháp ở đây chính là chị em phải mạnh dạn tố cáo với các cơ quan chức năng để bảo vệ tương lai con em chúng ta.”
Đồng quan điểm, Huỳnh Hoài Như (chuyên viên tâm lý ), nhận định : “Vấn đề nằm ở ý thức hệ và hình ảnh người phụ nữ được gắn với sự cam chịu. Chịu đựng và tha thứ. Phụ nữ Việt Nam cũng đã quen thuộc với các giá trị này nên chưa thể thay đổi tốt hơn. Việc hỗ trợ phụ nữ nhìn nhận và thiết lập lại vai trò của mình trong cuộc sống là cần thiết. Phụ nữ cũng dễ có nhiều cảm xúc hơn nam giới, chính điều này tạo nên những ràng buộc theo kiểu: "không nỡ", cảm thông cho những đau khổ, khó khăn của bên đối phương. Phụ nữ hay tự giải thích và "xóa nợ" cho đối phương khi đối phương làm họ đau khổ rồi sau đó lại quan tâm, chu toàn những điều khác. Họ cũng dễ bị thôi thúc bởi việc bị định hình về "khuôn mẫu một người phụ nữ" mà xã hội xây dựng nên. Họ cũng muốn mình trở thành 1 người phụ nữ "chuẩn mực". Mạnh mẽ, đấu tranh, độc lập, quyết đoán, cá tính dường như chưa được ghi nhận như là một người phụ nữ "hoàn hảo", "tốt" trong mắt những người xung quanh và của chính họ nữa”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.