Chiến thuật giúp học sinh đối phó căng thẳng

17/02/2017 15:49 GMT+7

Nền giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới đang khiến học sinh ngày càng căng thẳng. Tình trạng này tác động đáng kể đến khả năng xử lý của não bộ, khiến não hoạt động kém hiệu quả.

Thi cử liên tục khiến học sinh dễ bị stress Ảnh: Shutterstock
Não kém hiệu quả khiến khả năng học tập giảm sút và điều này lại tiếp tục gây thêm căng thẳng. Để giúp học sinh giảm stress, thầy cô và phụ huynh có thể áp dụng các biện pháp sau:
Nâng cao sự hiểu biết
Các triệu chứng của căng thẳng là mất khả năng tập trung, tim đập nhanh, buồn nôn, chán nản, ăn quá nhiều hoặc bỏ ăn. Nhà trường và phụ huynh cần dạy học sinh cách nhận diện bản thân đang trong trạng thái căng thẳng, theo The Guardian.
Khi biết mình bị căng thẳng, các em sẽ đề nghị sự hỗ trợ cũng như tư vấn từ thầy cô, cha mẹ. Những căng thẳng cũng có tác động là giúp các em nỗ lực hành động. Khi nhận được sự hỗ trợ cần thiết, học sinh sẽ vượt qua thử thách và căng thẳng cũng chấm dứt, từ đó sẽ củng cố thêm sự tự tin.
Hướng dẫn khắc phục sai lầm
Não con người phát triển là nhờ hành động và tích lũy kinh nghiệm từ những sai lầm. Do đó, làm sai hay thi điểm kém là điều không thể tránh trong quá trình học tập.
Cần phải thay đổi nhận thức của học sinh để các em hiểu là điểm kém không hẳn là điều tồi tệ. Sau đó, cần hướng dẫn cách để khắc phục sai lầm.
Giáo viên cần biết kiềm chế căng thẳng
Nếu không biết kiểm soát căng thẳng thì nó có thể lây lan ra mọi người xung quanh. Hiệu trưởng căng thẳng sẽ khiến giáo viên căng thẳng. Rồi khi họ vào lớp, học sinh lại là người phải chịu trận từ những căng thẳng đó.
Vì thế, một số chuyên gia giáo dục cho rằng bản thân thầy cô, cha mẹ phải biết kiềm chế căng thẳng của mình. Nếu để những căng thẳng đó bộc phát thì sẽ ảnh hưởng đến học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.