Chàng thủ khoa toàn quốc khối B: Vừa học vừa làm thêm để phụ giúp gia đình

16/08/2016 09:15 GMT+7

Dũng kể: 'Khi vừa thi xong, bạn bè dò điểm nhau, mọi người hay đùa nếu là thủ khoa phải dẫn bạn đi khao ăn. Thật bất ngờ là điều đó thành sự thật'.

Được thầy chủ nhiệm thông báo về điểm thi, Nguyễn Tiến Dũng (học sinh lớp 12A1, chuyên Toán, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) khi đó đang ở TP.HCM rất bất ngờ và gọi về cho gia đình. Dũng kể: “Khi vừa thi xong, bạn bè dò điểm nhau, mọi người hay đùa nếu là thủ khoa phải dẫn bạn đi khao ăn. Thật bất ngờ là điều đó thành sự thật”.
Cảm thấy tự tin hơn
Sau tin vui đó, Dũng kết bạn với nhiều bạn khác ở khắp nơi. Cùng trò chuyện, chia sẻ bí quyết học tập, hỏi thăm qua lại, tất cả mọi điều giúp bản thân Dũng tự tin và vui hơn vì trước đây cậu rất trầm tính. Vốn học chuyên toán, Dũng nắm rất chắc kiến thức môn này nhưng phải cố gắng điều tiết thời gian học hợp lý để cân bằng giữa các môn học. Ở trường, Dũng tranh thủ thời gian rảnh làm bài tập để về nhà có nhiều thời gian hơn cho các môn khác.
Thủ khoa toàn quốc khối B: Tranh thủ làm thêm trang trải học phí khi vào đại học 1
Các thành viên trong gia đình của tân thủ khoa
Tân thủ khoa chia sẻ: “Em chủ yếu học tài liệu thầy cô cho trên trường. Khi làm bài, bạn không được hấp tấp mà cần cẩn thận từng bước suy nghĩ xem còn trường hợp nào không, do đề thi chủ yếu “bẫy” ở các câu nhiều trường hợp mà ít ai nghĩ đến. Cần có một số mẹo để nắm ý bài vở tốt như sơ đồ tư duy chẳng hạn để nắm cốt lõi vấn đề, từ đó suy ra những ý khác”.

tin liên quan

Cô gái thủ khoa khối A chia sẻ bí quyết học tập
"Sau khi kết thúc kỳ thi, em tham khảo đáp án của Bộ GD-ĐT và ước tính điểm số khoảng 28-29. Nhưng em không thể ngờ mình có thể trở thành thủ khoa khối A kỳ thi THPT quốc gia năm nay", Trần Quỳnh Trang nói.

Theo Dũng, ôn thi 2 môn hóa và sinh tương đối giống nhau. Về lý thuyết 2 môn thực chất chỉ cần nắm cốt lõi kiến thức, không cần học vẹt vì khó nhớ, không linh hoạt được trong nhiều tình huống. Gần đây, các đề thi ra theo hướng cần học sinh tư duy linh hoạt, các câu hỏi càng ngày càng có tính phân loại cao, vì thế việc nắm cốt lõi kiến thức mới quan trọng, sẽ không sợ cách ra đề mới hay lạ nữa. Cụ thể, lý thuyết cả 2 môn chủ yếu có trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, bạn không phải ngồi học thuộc lòng mà cần tìm hiểu kỹ bản chất vấn đề rồi tự suy ra những cái khác.
Thủ khoa toàn quốc khối B: Tranh thủ làm thêm trang trải học phí khi vào đại học 2
Tập thể lớp 12A1 nơi Dũng theo học
Còn về phần bài tập, môn nào cũng cần chăm chỉ tìm tòi và luyện kỹ năng làm bài cho nhanh, linh hoạt. Theo Dũng, cách học môn toán nên tập trung theo chuyên đề, luyện hết các dạng trong các chuyên đề ấy rồi mới chuyển sang chuyên đề mới sẽ giúp bạn tư duy được các dạng bài trong đề thi. Dũng bật mí thêm: “Vài tuần trước khi thi, bạn cần tìm nguồn đề sát với đề thi nhất để làm. Trước tuần đi thi, em chỉ hệ thống lại kiến thức. Hai ngày trước khi thi nên ngừng ôn để thoải mái tâm lí, nghỉ ngơi điều độ. Trong quá trình làm bài cần giải quyết nhanh, gọn, chính xác những câu đầu, dành thời gian giải quyết các câu khó hơn”.
“Dũng hai khối”
Thủ khoa toàn quốc khối B: Tranh thủ làm thêm trang trải học phí khi vào đại học 3
Tiến Dũng và thầy của mình trong chuyến vào TP.HCM
Đó là biệt danh bạn bè hay gọi Dũng vì trong lớp chỉ duy nhất có Dũng theo cả 2 khối A và B. Việc học song song 2 khối cũng khiến Dũng gặp nhiều áp lực. Tuy nhiên, Dũng luôn được thầy cô, bạn bè động viên, giúp đỡ những khi nản lòng.
“Từ hồi lớp 10, em đã dự tuyển thi chọn đội tuyển chính thức tham dự kì thi Học sinh giỏi Quốc gia. Nhưng cả 2 lần, em đều thi trượt. Khi ấy, em rất chán nản vì bản thân đã dành hầu hết thời gian học THPT để theo đội tuyển và giờ chỉ còn ít tháng nữa là thi đại học rồi. Thầy chủ nhiệm Phan Văn Thái cùng thầy cô bộ môn đã động viên em tập trung học để thi đại học. Em đã cố gắng rất nhiều cùng sự giúp đỡ tận tình từ các thầy cô trên trường, sự chia sẻ từ những người bạn thân, tận dụng thời gian còn lại để lấp đầy khoảng trống mình bỏ sót, hoàn thiện kiến thức để bước vào kỳ thi đại học một cách suôn sẻ”, Dũng kể.

tin liên quan

Cô gái thủ khoa nghèo mong 'mang tin tốt lành đến mọi người'
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016, Nguyễn Thị Kim Phượng (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã khiến nhiều người nể phục khi đạt 26,25 điểm và trở thành thủ khoa khối C của Bình Định (văn: 9, sử: 8,25, địa: 9).

Thủ khoa toàn quốc khối B: Tranh thủ làm thêm trang trải học phí khi vào đại học 4
Dũng (hàng ngồi, ở giữa) chụp ảnh kỷ yếu với bạn cùng lớp
Thủ khoa toàn quốc khối B: Tranh thủ làm thêm trang trải học phí khi vào đại học 6
Giây phút vui vẻ của Dũng và bạn bè
“Dự định sắp tới của em là phấn đấu đạt thành tích cao trong quá trình học tập, nghiên cứu khi trở thành một sinh viên, đồng thời trau dồi thêm ngoại ngữ để sau này thuận lợi hơn trong công việc lẫn giao tiếp hằng ngày. Bên cạnh việc học, em sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để đi làm thêm phụ giúp gia đình trong việc kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình và chi phí học tại trường Y bởi thu nhập của gia đình không đủ để chi trả hết mọi chi phí sinh hoạt lẫn chi phí học tập”, tân thủ khoa bộc bạch.
Nguyễn Tiến Dũng trở thành thủ khoa khối B trong kỳ thi năm nay với tổng điểm 3 môn là 29,15 (toán 9,75 - hóa 9,8 - sinh 9,6). Hiện tại, “Dũng hai khối” đã nộp hồ sơ vào ngành Bác sĩ đa khoa, Trường đại học Y Hà Nội như ước mơ bấy lâu của mình. Để có được thành tích tốt hôm nay, Dũng thật sự biết ơn các thầy cô ở trường chuyên Phan Bội Châu và gia đình luôn sát cánh những khi em gặp khó khăn trong học tập.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.