Chấm thi tốt nghiệp THPT: Không để xảy ra tình trạng 'chấm lỏng, chấm chặt'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
13/08/2020 09:03 GMT+7

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lưu ý việc chấm thi tốt nghiệp THPT yêu cầu mỗi giám khảo phải nêu cao ý thức trách nhiệm, đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Sáng 12.8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT dự khai mạc và kiểm tra công tác chuẩn bị chấm thi tại tỉnh Nam Định.

Bài thi tự luận phải chấm 2 vòng độc lập

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc nhở Nam Định cũng như tất cả các địa phương cần rất quan tâm tới khâu chọn lựa, tập huấn và nhân thân của cán bộ chấm thi. Nếu làm đúng ngay từ ban đầu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng từng bước, từng quy trình, sẽ ra kết quả đúng.
Lấy ví dụ về việc sơ suất ở thao tác tưởng như rất đơn giản của giám thị coi thi vừa qua đã khiến thí sinh (TS) phải thi lại ở một số phòng thi bằng đề dự bị, làm vất vả cả hệ thống, ông Độ cho rằng có những chuyện tưởng như nhắc đi nhắc lại nhưng vẫn không thừa. Dù “biết rồi, khổ lắm nói mãi”, nhưng vẫn không thể chủ quan, cần nêu cao ý thức trách nhiệm trong suốt quá trình chấm.
Ông Độ lưu ý có khá nhiều điểm mới trong khâu chấm thi ở cả bài thi tự luận và trắc nghiệm. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm năm nay chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm của chủ tịch hội đồng chấm thi ở từng khâu trong quy trình chấm thi trắc nghiệm. Cơ chế bảo mật tốt hơn, bài thi trắc nghiệm được đánh phách điện tử… để phòng ngừa tiêu cực.

Mỗi giám khảo phải rõ quan điểm nhưng không bảo thủ, đặt quyền lợi của người học lên trên hết, đảm bảo sự khách quan, vừa sức với học sinh

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ

Với bài thi tự luận, ông Độ yêu cầu cần đảm bảo tuyệt đối quy trình chấm 2 vòng độc lập; quan trọng là phải chấm đều tay, do vậy trước khi chấm chính thức, Bộ GD-ĐT quy định ban chấm thi tự luận ở các địa phương phải chấm chung ít nhất 10 bài để trao đổi và đi đến thống nhất cách hiểu, cách làm. “Tôi đã chỉ đạo ban đề thi phải xây dựng hướng dẫn chấm một cách dễ hiểu nhất, tránh đưa ra những hướng dẫn có thể hiểu theo nhiều nghĩa”, ông Độ nói.

Bảo mật thông tin bài làm của thí sinh

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng chấm thi, nhất là với môn ngữ văn, khi đề thi được ra theo hướng mở, khuyến khích TS bày tỏ quan điểm riêng và sáng tạo của mình, ông Độ yêu cầu: “Mỗi giám khảo phải rõ quan điểm nhưng không bảo thủ, đặt quyền lợi của người học lên trên hết, đảm bảo sự khách quan, vừa sức với học sinh”.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định, cho biết tất cả các giám thị được chọn chấm thi đều là những người có trình độ và thái độ tốt, được “chọn mặt gửi vàng” để làm công việc đặc biệt quan trọng này. Thực hiện quy định chấm chung ít nhất 10 bài thi tự luận để thống nhất cách chấm, Nam Định không áp dụng hình thức cho từng giám khảo đọc mà chiếu từng dòng, đoạn bài làm của HS lên màn hình để tất cả thảo luận. “Quan điểm là thảo luận, chấm chung đến khi nào không còn băn khoăn gì nữa mới bắt tay vào chấm chính thức”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, chỉ đạo của Thứ trưởng Độ về việc phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên trong quá trình chấm thi là rất có ý nghĩa trong thực tiễn chấm thi nhiều năm qua. Thực tế, có những ý trong bài làm của TS “cho điểm cũng được mà không cho điểm cũng được”, do vậy giám khảo, tổ chấm phải vận dụng hướng dẫn chấm làm sao để đảm bảo quyền lợi của TS và vì TS, miễn là không vi phạm quy chế, không xảy ra tình trạng chấm lỏng - chấm chặt (môn tự luận chấm chặt quá thì TS sẽ chịu thiệt thòi, chấm lỏng quá lại gây sự chênh lệch lớn, không đánh giá được đúng thực lực của TS).
“Với môn ngữ văn, tôi vẫn nói với giám khảo nếu TS làm quá tốt, sau khi thảo luận thấy rằng không có gì để chê thì cứ cho các em điểm 10, không có gì phải băn khoăn cả, nhưng giám khảo nhiều khi cứ dè dặt, “run tay” nên chưa bao giờ Nam Định có điểm 10 môn văn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng khẳng định Nam Định sẽ chấm thi nghiêm túc, khách quan, đảm bảo bài cuối cùng vẫn được chấm kiểm tra. “Với giám khảo, mỗi người phải làm hết trách nhiệm của mình để đảm bảo chấm thi xong là về ăn ngon ngủ yên, không còn gì phải băn khoăn hay bị gọi quay lại giải quyết nữa”, ông Hùng nhắc nhở.
Ông Độ cũng lưu ý để giám khảo tránh một số sai sót thường gặp trong chấm thi như: cộng điểm thiếu, sót điểm thành phần; với môn văn, đề nghị giám khảo bảo mật thông tin bài làm của TS, không công bố những câu văn gây cười hoặc viết chưa hay... để tránh ảnh hưởng tới cá nhân TS. Phúc khảo là kiểm chứng của khâu chấm thi. Chất lượng chấm thi tốt là không có nhiều đơn phúc khảo và không có bài thi phải điều chỉnh điểm do chấm chênh lệch từ 1 - 2 điểm trở lên.
32 đoàn thanh tra chấm thi
Theo Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường, tổng số cán bộ, chuyên viên, giảng viên đại học tham gia 32 đoàn thanh tra tại 63 sở GD-ĐT gồm 191 người. Trong số đó, có 63 người là cán bộ, giảng viên đến từ 32 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Thời gian thực hiện thanh tra chấm thi trực tiếp của các đoàn dài nhất từ 11 - 26.8 và có thể kết thúc sớm hơn tùy theo khối lượng bài chấm, tiến độ chấm và nhập điểm của địa phương.
Đảm bảo phòng dịch Covid-19 trong khâu chấm thi
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý việc chấm thi diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Bộ GD-ĐT đề nghị các hội đồng chấm thi tuân thủ các yêu cầu phòng dịch. Đảm bảo không huy động giáo viên “có F” hoặc tiền sử dịch tễ tham gia chấm thi; có bộ phận y tế trực tại khu vực chấm thi, đo thân nhiệt của giám khảo, thực hiện đúng giãn cách, đeo khẩu trang... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Thí sinh hớn hở hoàn thành kỳ thi đặc biệt giữa đại dịch Covid-19

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.