Cấu trúc đề văn không mới, cách hỏi nghị luận khác lạ

25/06/2018 10:16 GMT+7

Kết thúc giờ làm bài môn ngữ văn, nhiều thí sinh cho biết cấu trúc đề thi tương tự năm trước nhưng cách hỏi có khác lạ.

* Thí sinh Lê Nguyễn Khánh Vân (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết do cấu trúc đề không thay đổi nên thí sinh chỉ cần thực hiện theo những kỹ năng được giáo viên hướng dẫn, ôn tập để giải quyết các câu hỏi.

Riêng câu nghị luận văn học, cách hỏi có chút thay đổi. Các năm trước đề yêu cầu so sánh 2 hình ảnh đơn thuần thì năm nay đòi hỏi thí sinh đưa ra phân tích, nhận định về sự đối lập.
B. Thanh (ghi)
Thí sinh Hà Giang, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cho biết thích câu nghị luận xã hội về sứ mệnh "Đánh thức tiềm lực" của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay nên bạn viết say sưa và có nhiều ví dụ thực tế từ quá trình học và đọc sách báo hằng ngày.
Giang cũng cho biết câu nghị luận văn học tạo cảm hứng cho các học sinh khi nhắc đến 2 tác phẩm khá thú vị là Hai đứa trẻChiếc thuyền ngoài xa. 
Thí sinh làm xong bài thi môn văn sáng nay

Thí sinh Trần Gia Huy, học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Bình, cho rằng câu nghị luận xã hội khá lạ. Song sẽ không khó để phát triển các ý. "Đề này học sinh khá có thể dễ có được 7 điểm". Huy nói.
Rất vui vẻ bước qua cổng trường thi, Nguyễn Mạnh Khang, học sinh THPT Nguyễn Thái Bình cho hay dù không dự đoán trúng đề nào trong cả các câu nghị luận văn học và nghị luận xã hội nhưng việc ra đề về đánh thức tiềm lực đất nước, hay liên hệ giữa 2 tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ đều khá hay. "Với câu nghị luận xã hội, bạn là một người yêu nước và có kiến thức xã hội rộng một chút, bạn sẽ làm rất tốt", Khang nói. 
T.Hằng (ghi)
* Tại Điểm thi Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước). Thầy Lương Văn Cương, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thí sinh dân tộc thiểu số chiếm 40% và có 80% đăng ký xét tuyển ĐH và CĐ.
Kết thúc môn văn, các thí sinh đều cho biết đề thi khá nhẹ nhàng. Thí sinh Gia Thị Hà (dân tộc Tày) cho biết đề không khó, riêng phần nghị luận xã hội em trình bày khá tốt nội dung đánh thức tiềm lực quốc gia ở mỗi cá nhân khi liên hệ với trách nhiệm bản thân.
Trong khi đó, Thị Thuỷ (dân tộc M nông) xác định rõ chỉ thi để xét tốt nghiệp và cho biết đề hơi khó, riêng phần câu hỏi liên quan đến tác phẩm Hai đứa trẻ em không làm được.
Hà Ánh (ghi)
* Tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), hầu hết thí sinh rời phòng thi khi vừa hết 2/3 thời gian làm bài. Đa phần thí sinh đều nhận định đề thi văn vừa sức.
Puih HLiên (lớp 12C3, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) hào hứng chia sẻ: “Em thấy đề văn khá vừa sức, phần 5 điểm về tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa thì tụi em đã từng thi thử ở trường. Câu nghị luận xã hội cũng rất hay và thực tế nên em nghĩ nhiều bạn sẽ làm được giống em. Em thi khối C nên hy vọng môn văn sẽ được từ 7 điểm trở lên”.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Gia Lai) rời phòng thi với nụ cười trên môi
Cũng cùng tâm trạng, Puih Luyn (Lớp 12C5, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) cho biết: “Các câu đều tương đối dễ. Em hy vọng các môn thi tiếp theo độ khó cũng vừa phải để tụi em có kỳ thi tốt”.
Không giấu được cảm xúc vì đề thi “trúng tủ”, Nguyễn Ngọc Huyền (12C3, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) vui vẻ nói: “Nếu môn nào cũng như môn văn thì cánh cổng đại học sẽ rất gần với tụi em. Đề vừa sức và em nghĩ bạn nào cũng có thể đạt được trên 5 điểm. Riêng em, em thích nhất là câu nghị luận xã hội, liên quan về trách nhiệm của bản thân với sứ mệnh của đất nước. Câu này rất thực tế và em nghĩ mỗi bạn trẻ như em đều có niềm yêu nước, cống hiến thôi thúc trong lòng”
Nữ Vương (ghi)
* Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh đánh giá chung đề thi hơi dài và khó. "Phần đọc hiểu và nghị luận hay nhưng chỉ hay đối với các học sinh khá giỏi, và kiểu đề này chắc chắn sẽ 'làm khó' những thí sinh ở phân khúc trung bình. Nhiều bạn kết thúc phần bài làm rất sớm. Bản thân em cũng gặp khó khăn với đề thi này", thí sinh Dư Hoàng Yến Nhi (học sinh Trường THPT Trần Phú) chia sẻ.
Thí sinh Đà Nẵng kết thúc môn thi ngữ văn 120 phút

"Phần Làm văn liên quan đến 2 tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa Hai đứa trẻ khá khó đối với em. Em thấy nhiều bạn dư thời gian cũng không biết xử lý đề theo hướng nào vì không nắm chắc chi tiết tác phẩm", Phan Cẩm Nhi, thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Đà Nẵng, cho biết.
An Dy (ghi)
* Bước ra khỏi phòng thi môn văn trước 20 phút, Phan Văn Nhiều (học sinh lớp 12A5, Trường THPT Bàu Bàng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) tự tin nói: “Theo đánh giá của em đề thi dễ, em làm bài với tâm trạng thoải mái”.
Thí sinh Đoàn Minh Tú

“Em đã làm kín hết 2 tờ giấy thi. Phần 2 (làm văn) em đã ôn rất kỹ và đã từng làm một phần trong kỳ thi học kỳ 2 của lớp 12. Còn phần đọc hiểu em cũng làm gần như trọn vẹn. Em dự đoán mình sẽ được 8 điểm môn văn”, Phan Văn Nhiều, nói
Mặc dù thí sinh Đoàn Minh Tú (học lớp 12A7 của trường này) không chú trọng môn văn vì Tú tập trung các môn toán, lý, hóa. Tuy nhiên theo Tú đề thi này vừa sức với mình. “Em làm bài cũng rất thoải mái chứ không có gì khó khăn cả. Chỉ hơi khó ở phần phân tích sự đối lập, nhưng em cũng làm được theo sự cảm nhận của riêng mình. Sau khi ra khỏi phòng thi em nghĩ mình đạt 6,5 điểm môn văn”, Minh Tú nhẩm tính. 
Lê Thanh (ghi)

* Với thời gian làm bài thi môn văn 120 phút, nhưng tại nhiều điểm trường trên địa bàn Quảng Nam, nhiều thí sinh hoàn thành bài thi rất sớm.

Theo ghi nhận tại Quảng Nam vào sáng 25.6, đa số thí sinh tại các điểm thi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bước ra khỏi phòng với tâm trạng phấn khởi, tươi cười rạng rỡ.

Nhiều thí sinh tự tin bước ra từ phòng thi tại điểm Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam)

Nhiều thí sinh đánh giá về đề văn năm nay không quá khó, chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản trên lớp là có thể đạt điểm cao.

Em Nguyễn Thị Thanh Tuyền (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), vui vẻ cho biết dù bản thân em không học chuyên văn nhưng khi cầm đề, đọc đề xong thì em thấy đề thi môn văn năm nay không khó, thậm chí có phần "dễ thở".

"Thời gian làm bài 120 phút, nhưng bản thân em chỉ làm trong khoảng 100 phút rồi xin ra sớm. Dù không 'trúng tủ' nhưng em tự tin với đề thi này em sẽ đạt từ 7-8 điểm", Tuyền cười nói.

Trong khi đó, em Nguyễn Công Hiếu (học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), cho hay đề văn năm nay khá lạ và hay, bản thân em làm được khoảng 80% đề thi.

Theo Hiếu câu hỏi hay nhất trong đề văn năm nay nói về việc đánh thức tiềm lực của đất nước của mỗi cá nhân. Quá trình làm bài thi, em liên hệ với tiềm lực của đất nước mình hiện nay.

M.Cường (ghi)
* Kết thúc buổi thi đầu tiên, hầu hết các thí sinh tại TP.Quy Nhơn (Bình Định) rất phấn khởi vì đã làm được bài. Nhiều thí sinh nhận xét đề thi môn văn năm nay hay, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước.
Sinh viên tình nguyện phát nước uống miễn phí cho thí sinh dự thi tại TP.Quy Nhơn
“Cả phần Đọc hiểu và phần Làm văn trong đề thi môn văn đều tạo hứng thú cho học sinh, những thí sinh nào chịu khó học, tìm hiểu tình hình thực tế của đất nước hiện nay thì sẽ làm được. Trong đó, câu 4 trong phần đọc hiểu tuy khó nhưng là câu hay. Là công dân Việt Nam thì chúng ta cần suy nghĩ, nhận thức đúng về tiềm lực và tình hình thực tế của đất nước. Em đã hoàn thành bài thi trong khoảng thời gian cho phép”, thí sinh Trần Chí Đạt (học sinh Trường THPT Quốc Học, TP.Quy Nhơn) nói.
Còn thí sinh Nguyễn Đình Khang, (học sinh Trường THPT Quốc Học, TP.Quy Nhơn) cũng cho rằng đề thi môn văn năm nay hay, phù hợp với những trăn trở của giới trẻ về đất nước. Vì vậy, không khí làm bài trong phòng thi nghiêm túc, hầu hết các thí sinh đều chăm chú làm bài thi.
 H.Trọng (ghi)
* Tại Phú Yên, nhiều thí sinh đánh giá đề thi môn văn năm nay có nhiều câu hỏi hay, nếu ôn tập kỹ thì có thể làm bài được 70%.
Em Trần Thị Gia Lệ, học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Phú Yên) nhận xét: Đề thi năm nay không quá khó nhưng cũng không quá dễ. Em thấy cấu trúc đề hay, ở phần nghị luận văn học có so sánh về sự đối lập trong hai tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa và Hai đứa trẻ.
Trong khi đó, em Võ Duy Thùy Dương, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Yên) chia sẻ: Cấu trúc đề thi văn rất hay và tương thích với đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Em thích phần nghị luận xã hội nói về sứ mệnh của cá nhân.
Đức Huy (ghi)
*** Giáo viên Lê Minh Tân (Q.2, TP.HCM) nhận xét, câu 1 đề văn cho khá hay, gợi nhiều suy nghĩ để học trò thể hiện ý kiến bản thân. Từ đọc hiểu văn bản, học trò dẫn qua viết nghị luận xã hội. Sứ mệnh đánh thức tiềm lực nghe thì thấy quen và dễ, nhưng để nói hay thì khó lắm vì đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ và có hiểu biết về đất nước, xã hội. Và nhất là phải có chính kiến của bản thân, ước nguyện riêng của bản thân, không thì sẽ trở thành sáo rỗng, giáo điều và không sâu.
Giáo viên Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi, TP.HCM) nhận xét: Nhìn chung đề văn khá chuẩn, đúng trọng tâm, cơ bản vừa sức thí sinh. Nếu chuẩn bị kỹ, học sinh trung bình sẽ làm được bài. Đề này cũng sẽ phân loại được thí sinh (nhất là câu 2 phần làm văn).
Phần đọc hiểu hỏi từ dễ đến khó, rải đều nội dung kiến thức. Câu 4 phần đọc hiểu khá mở nên cần có đáp án thật mở để bao quát hết các dạng ý kiến thí sinh. Câu 1 phần làm văn khá thú vị khi gắn với nội dung đọc hiểu ở trên. Nội dung kiến thức câu 2 làm văn không mới nhưng cách đặt vấn đề và học sinh giải quyết vấn đề đó là mới; cộng vào đó là kết hợp cả kiến thức lớp 11 và 12 như Bộ đã định hướng trước. Điều này bắt buộc thí sinh không chỉ thuộc bài, nắm nội dung mà phải biết cách làm bài, khái quát và chọn lọc nội dung đưa vào bài làm sao cho hợp lý. Đây sẽ là câu phân loại thí sinh...
Theo giáo viên Đỗ Đức Anh, Tổ phó tổ ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), đề thi khó hơn và có tính phân loại cao hơn đề thi năm 2017. Phần Đọc hiểu, người ra đề chọn văn bản nghệ thuật là bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy và đưa ra các yêu cầu thí sinh thể hiện kiến thức về thể thơ, nội dung, ý nghĩa của văn bản, đưa ra chính kiến trên cơ sở tư duy… Và đây là câu hỏi không làm khó thí sinh.
Ở phần NLXH, đề thi có ý nghĩa và khai thác trách nhiệm công dân của thí sinh đòi hỏi thí sinh thể hiện quan điểm cá nhân. Tuy nhiên, ở câu hỏi này, nếu không có sự lập luận chắc chắn, các em sẽ rơi vào việc viết sáo rỗng, hô khẩu hiệu. Còn câu NLVH, thực sự là hay nhưng khó và là căn cứ để các trường ĐH tuyển được cho mình những sinh viên có năng lực.
Giáo viên Nguyễn Minh Ngọc, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Đinh Thiện Lý (Q.7, TP.HCM): Đề thi trùng với cấu trúc đề minh họa được công bố trước đó, nhất là câu NLVH nên không gây cho thí sinh sự bỡ ngỡ. Sự phân hóa thể hiện khá tốt qua câu hỏi này bởi kiến thức trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa là cơ bản, thí sinh nắm chắc sẽ làm được. Riêng câu so sánh, liên hệ với tác phẩm Hai đứa trẻ đòi hỏi thí sinh biết cách khái quát và tư duy tổng hợp. Song theo tôi, thang điểm của câu hỏi liên hệ này sẽ không chiếm tỷ trọng lớn và mang tính chất phân hóa. Thí sinh trung bình chỉ làm tốt câu hỏi trước đó cũng có thể đạt điểm. Với câu NLXH, thí sinh nào biết cách làm sẽ xoáy sâu vào trọng tâm, thí sinh nào không hiểu sẽ dễ sa vào sự lan man. Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Duy, được viết vào thời kỳ đổi mới song tính thời sự với giới trẻ hiện nay vẫn còn nóng hổi bởi họ đang bước vào thời đại công nghệ, với những trăn trở về sự "khơi gợi tiềm lực".
Bích Thanh (ghi)
Thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), nhận xét: Về đề thi văn tôi thấy rất hay. Cấu trúc bám sát vừa có ý nghĩa xã hội vừa có ý nghĩa văn học. Đề cũng đáp ứng được nhu cầu cho hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Đức Huy (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.