Cấu trúc đề thi tốt nghiệp môn Lịch sử và Sinh học

23/05/2008 01:39 GMT+7

Ông Trần Như Thanh Tâm và ông Lê Ngọc Lập - chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM đã giải đáp, tư vấn cách ôn, làm bài tốt môn Lịch sử, Sinh học và cung cấp cho thí sinh những thông tin cần thiết trước ngày thi.

Nên lập bảng tóm lược giai đoạn lịch sử

Ông Trần Như Thanh Tâm thông tin: "Mọi năm cấu trúc đề Lịch sử bao gồm 2 phần: phần lịch sử Việt Nam (khoảng 7 điểm) và phần lịch sử thế giới (khoảng 3 điểm). Năm nay, theo thông báo của Bộ GD-ĐT, số câu hỏi có thể nhiều hơn, nhưng theo tôi, vẫn có thể nằm trong khung điểm như trên".

Là môn học khó đạt điểm cao nên các thí sinh tập trung vào câu hỏi: "Học lịch sử như thế nào cho nhanh thuộc mà vẫn nắm vững kiến thức và khi ôn tập cần chú ý trọng tâm nào?". Ông Trần Như Thanh Tâm giải đáp: "Các em cần có cách ôn tập khoa học, có nghĩa là phải nắm vững kiến thức cơ bản của bài học, từ đó mới trình bày bài làm của mình thật đầy đủ, đúng yêu cầu của câu hỏi. Để có thể nhớ bài học một cách lâu dài thì các em nên có những bảng tóm lược các giai đoạn lịch sử. Ví dụ bảng tóm lược về các chiến thắng quan trọng của ta trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp như: Chiến thắng Việt Bắc (1947), Thu Đông (1950), Đông Xuân (1953- 1954)... hoặc là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cần phải lập bảng tóm lược về những chiến lược mà Mỹ đã thực hiện ở miền Nam Việt Nam. Điều quan trọng là các em phải nắm vững kiến thức".

Ngoài ra, bạn Mỹ Kim (106/34C Tôn Thất Hiệp, Q.11, TP.HCM) còn lo lắng vấn đề hay nhầm lẫn thời gian của các sự kiện lịch sử. Ông Trần Như Thanh Tâm chỉ ra: "Khi lập bảng tóm tắt các giai đoạn lịch sử, học sinh cần nhớ các sự kiện quan trọng bởi trong sách giáo khoa có rất nhiều sự kiện. Điều này các thầy cô bộ môn đã hướng dẫn trong quá trình ôn tập. Khi đã chọn lọc các sự kiện quan trọng để học thì việc nhớ ngày tháng năm sẽ dễ dàng hơn". Tuy vậy, Lịch sử là một môn khoa học xã hội nên khi làm bài thí sinh cũng phải chú ý cách hành văn, không nên làm theo cách viết rời từng ý và không dùng dấu -> trong bài làm của mình.

Cấu trúc đề thi môn Sinh

Theo ông Lê Ngọc Lập thì: "Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh dành cho thí sinh chương trình không phân ban gồm các chương: Biến dị, Ứng dụng di truyền học vào chọn giống, Di truyền học người, Phát sinh sự sống, Sự phát triển của sinh vật, Nguyên nhân và cơ chế tiến hóa, Phát sinh loài người. Để việc ôn tập và làm bài đạt kết quả tốt, học sinh cần học kỹ bài trong sách giáo khoa, theo sự hướng dẫn ôn tập của các thầy cô ở trường".

Ông Lê Ngọc Lập lưu ý thí sinh khi làm bài thi trắc nghiệm nên phân bố thời gian hợp lý, không mất thời giờ quá lâu cho một câu trắc nghiệm nào đó. Phải tận dụng toàn bộ thời gian để làm bài. Đọc toàn bộ các câu hỏi trong đề trắc nghiệm (40 câu). Làm trước những câu dễ mà mình biết, sau đó làm tiếp những câu hỏi khó hơn cần suy luận, tính toán. Đối với những câu trắc nghiệm như: phát biểu hoặc điều nào sau đây là không đúng. Các em cần tìm phương án không đúng trong 4 phương án của câu hỏi. Hoặc những câu hỏi liên hệ đến nhiều vấn đề hoặc những câu hỏi về bài tập phức tạp, các em phải làm nhiều phép tính để có đáp án chính xác. Cần đọc đi đọc lại nhiều lần đối với những câu hỏi khó trong đề để có đáp án chính xác. Phải cố gắng trả lời tất cả các câu hỏi trắc nghiệm, không bỏ trống một câu nào cả. Kiểm tra lại lần cuối phần trả lời các câu trắc nghiệm.

Bạn đọc Dương Nguyễn Thiên Di (Lâm Đồng) hỏi kinh nghiệm để làm tốt phần bài tập Sinh học, ông Lê Ngọc Lập gợi ý: "Để làm tốt các câu hỏi trắc nghiệm có liên quan đến bài tập, thí sinh cần nắm vững các công thức tính chiều dài, phân tử lượng... của gen, so sánh số lượng các loại nucleotit, số liên kết hydro, số nucleotit môi trường cung cấp trong quá trình tự nhân đôi của gen ban đầu và gen đột biến, từ đó xác định dạng đột biến gen. Trong câu hỏi trắc nghiệm bài tập về đột biến cấu trúc nhiễm sắc thể, các em cần nhận xét theo dữ kiện của đề bài để xác định các dạng đột biến cấu trúc. Ở câu hỏi trắc nghiệm bài tập về đột biến số lượng nhiễm sắc thể, cần nắm vững cách viết giao tử, sơ đồ lai, các tỷ lệ kiểu gen, tỷ lệ kiểu hình (35:1; 11:1...). Ở câu hỏi trắc nghiệm bài tập về di truyền học quần thể, cần nắm vững cách tính tần số tương đối các alen, xác định cấu trúc di truyền của quần thể có cân bằng hay không cân bằng...".

Bích Thanh (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.