Câu chuyện giáo dục: Làm gương!

28/09/2018 10:14 GMT+7

1. Hơn 150 năm trước, nhà cải cách xã hội Nguyễn Trường Tộ từng cho rằng: Nói lý thuyết suông không bằng đích thân làm những công việc cụ thể. Quan điểm này rất đúng với việc giáo dục, mà cốt yếu là lấy việc làm gương để con trẻ noi theo chứ không phải chỉ toàn bằng lý thuyết.

2. Một phụ huynh trò chuyện với chúng tôi: “Mình muốn con không bị “hư” bởi mạng xã hội hiện nay thì chính mình phải làm gương. Anh dùng điện thoại gì? Một ngày lướt mạng bao nhiêu thời gian? Chúng thấy anh như thế nào, thì anh mới kiểm soát được chúng sử dụng”. Phụ huynh này cho biết “để khuyến khích con chơi thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe, tôi phải làm gương trước”. Cho con tập bơi, đến hồ con sợ nước, “tôi mang áo phao vào cho chúng, rồi ném chúng xuống hồ. Tôi xuống bơi cùng chúng. Lần sau chúng không còn sợ nước nữa”. Câu chuyện trên làm tôi nhớ đến một phụ huynh khác trước đây, khi vị này cho rằng “để khuyên con không hút thuốc lá, thì bản thân tôi phải cai hút thuốc, mặc dù rất nghiện”.

Ở trường học, thầy cô dạy trò mẫu mực nhưng bản thân mình không chịu làm gương thì khó mà thành công được. Muốn trò nghiêm túc trong sinh hoạt tập trung thì chính thầy cô phải thật nghiêm túc trong các cuộc họp hội đồng, sinh hoạt dưới cờ. Muốn “học sinh phải hát Quốc ca to, rõ, đều... để thể hiện sự tự hào dân tộc” thì chính giáo viên phải hát cho tốt đã. Muốn học trò nói năng lễ độ, ăn mặc tươm tất, thì trong chính cách nói năng với học trò, với đồng nghiệp và cách ăn mặc của giáo viên phải làm gương trước. Bởi lẽ có những cách nói, cách ăn mặc của thầy cô sẽ ảnh hưởng và trở thành thói quen đi suốt cuộc đời của học trò.
Rộng ra ngoài xã hội, khi thấy trẻ hư, nhiều người vội vàng quy chụp do lỗi của nhà trường mà không thấy trách nhiệm cộng đồng trong ấy. Trường học dạy trò nghiêm túc chấp hành luật giao thông, nhưng đi đường chúng thấy toàn người lớn phạm luật. Trường dạy chúng không được xả rác bừa bãi, nhưng ra ngoài người lớn lại không chịu làm gương… Nhiều bài học tốt đẹp của nhà trường đã bị chính xã hội, người lớn giết chết khi học trò cọ xát thực tế. Làm cho họ cảm thấy bi quan, ngờ vực đạo đức sách vở.
3. Tôi nhớ câu nói dân gian: “Trăm năm soi chiếc gương mờ/Không bằng một phút soi nhờ gương trong”. Đúng vậy, con trẻ ngày nay cần lắm “gương trong” của gia đình, nhà trường và xã hội để chúng soi vào đấy mà trưởng thành!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.