Câu chuyện giáo dục: Khi con bị điểm 0 bài kiểm tra

21/08/2019 09:45 GMT+7

Ngày đứa con đầu tiên học lớp 6 mang về bài kiểm tra 15 phút với điểm 0 tròn trĩnh trên đôi giấy lủng một lỗ to tướng ở giữa do không biết cách lấy tờ giấy đôi ra khỏi kim bấm, tôi bần thần nhận ra mình đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cho con đến trường mà lại quên điều quan trọng nhất: tâm lý cho một học sinh chuyển cấp.

Từ bậc tiểu học chủ yếu vừa học vừa chơi, khi lên THCS phần lớn học sinh sẽ bị sốc với cách học mới, môi trường khác biệt hoàn toàn. Học sinh mới vào lớp 6 làm gì biết bài kiểm tra 15 phút thế nào! Chưa biết rằng phải vừa nghe giảng vừa ghi chép, chưa biết trình bày một bài học trong tập sao cho dễ nhìn, chưa biết có trả bài hằng ngày trên lớp, chưa biết kỳ kiểm tra 1 tiết quan trọng không kém kiểm tra giữa hoặc cuối kỳ… Học sinh cũng hoàn toàn lạ lẫm với những môn học mới và tiếp xúc cùng lúc với nhiều giáo viên. Trẻ cũng chưa biết phải chơi với bạn thế nào khi ở bậc học này tâm sinh lý có nhiều thay đổi…
Những điều này, nếu không chuẩn bị kỹ, trẻ sẽ hụt hẫng trong giai đoạn đầu ở các lớp chuyển cấp. Thông thường, phụ huynh rất quan tâm khi con mình chuyển từ mầm non vào lớp 1. Chúng ta tìm hiểu nhiều thông tin để chuẩn bị đầy đủ tâm lý để trẻ tự tin, mạnh dạn bước vào năm học đầu tiên của tiểu học. Thế nhưng khi con giã từ lớp 5 để chuyển tiếp vào lớp 6, phụ huynh có phần chủ quan vì nghĩ con đã lớn, đã quen với việc học, cũng tâm lý tương tự khi con xong lớp 9 chuyển sang năm đầu tiên ở THPT.
Mỗi cấp học đều rất khác nhau về phương pháp học tập cũng như mối quan hệ với thầy cô, bạn bè do những thay đổi về tâm sinh lý. Nếu ở tiểu học, trẻ hoàn toàn lệ thuộc vào sự dẫn dắt, hướng dẫn của thầy cô thì lên THCS sẽ phải chủ động và điều này sẽ thể hiện rõ khi ở THPT. Vui chơi với bạn bè ở tiểu học còn là sự hồn nhiên thì vào THCS sẽ bắt đầu có nhiều vấn đề, đến THPT lại nảy sinh những vấn đề khác khi học sinh bước vào tuổi biết yêu và muốn khẳng định mình.
Ngoài sự dạy dỗ của thầy cô, giai đoạn nào của con ở những năm phổ thông vẫn luôn cần sự đồng hành của cha mẹ bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Sự đồng hành của cha mẹ với con ở các cấp học cao hơn không giống như việc ngồi cạnh bên con, cầm tay cùng viết, làm toán hay dò bài cho con ở cấp tiểu học. Cũng không phải là việc mỗi ngày đưa đón con đến trường rồi chuyển sang các lớp học thêm.
Mỗi phụ huynh sẽ có những cách khác nhau bên cạnh con trong việc học để có được 2 chiều tương tác: Cha mẹ hiểu và biết được tình hình học tập cũng như sinh hoạt của con trong trường lớp; con thì có thể chia sẻ những vui buồn, băn khoăn về việc học và cả quan hệ cùng thầy cô, bạn bè, nhất là khi con ở độ tuổi dậy thì.
Con học đến đâu, cha mẹ học đến đó, nhận xét này khá chính xác. Theo sát con trong học tập cũng là dịp để cha mẹ ôn lại và cập nhật kiến thức phổ thông. Thậm chí, nếu thế mạnh của phụ huynh ở môn nào khi còn đi học thì đây sẽ là lúc trở thành “bạn học” cùng con. Cơ hội này là vô cùng quý báu để có thể cùng con chia sẻ những buồn vui hằng ngày ở trường lớp, từ đó có thể giúp con vượt qua những khó khăn thường gặp ở tuổi mới lớn.
Phụ huynh nào cũng bận rộn mưu sinh và không phải ai cũng có điều kiện theo sát con trong việc học. Tuy nhiên, mỗi người đều sẽ có cách của mình. Chẳng hạn những câu chuyện gợi mở về bạn bè, trường lớp trong những lúc đưa đón con đi học cũng là cách giúp cha mẹ hiểu về con hơn. Hãy tận dụng mọi cơ hội để cùng bên con trong hành trình không ngắn nhưng cũng không quá dài này.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.