Câu chuyện giáo dục: Ít học sinh dùng điện thoại có gia đình kiểm soát

08/04/2019 09:24 GMT+7

Đó là kết quả khảo sát nhỏ của chúng tôi với học sinh (HS) THPT. Có hơn 80% số HS phổ thông hiện nay đang sử dụng điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, phục vụ cho việc học thì rất ít, chỉ khoảng 30%, còn lại đa số sử dụng cho mục đích giải trí.
Ngoài rất ít số HS khi sử dụng có sự kiểm soát của gia đình, còn lại hầu hết các em được tự do sử dụng mà không ai kiểm soát. Lớp học càng cao (11, 12) thì càng ít kiểm soát. Trong khi đó, khoảng 50% số HS thừa nhận thời gian dùng trên 3 giờ/ngày. Nhiều em cho rằng, ngoài giờ học ở trường, khi về nhà, chiếc điện thoại là “vật bất ly thân”…

Trong khi nỗ lực rất lớn từ phía nhà trường là nghiêm cấm HS sử dụng điện thoại thiếu lành mạnh, không đúng cách thì kết quả khảo sát trên đặt ra vấn đề về vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc quản lý con em mình sử dụng điện thoại để tránh ảnh hưởng xấu từ các trang mạng xã hội. Những sự việc dậy sóng dư luận vừa qua cho thấy tình trạng sử dụng mạng xã hội để xúc phạm, bôi nhọ người khác, thiếu văn hóa, vi phạm pháp luật của người trẻ nói chung và HS nói riêng diễn ra khá phổ biến.
Vì tâm lý thích hùa theo số đông, muốn thể hiện, nổi trội, muốn tạo phong cách riêng… nên nhiều HS đã sử dụng mạng xã hội mù quáng. Song đáng nói là, chỉ đến khi bị kỷ luật, những HS vi phạm mới nhận thức được lỗi của mình, các phụ huynh mới bất ngờ biết tin. Còn trước đó, các em vô tư sử dụng mà không hề biết đến tác hại của nó; phụ huynh thì chẳng hề để ý gì vì nghĩ rằng con em mình ngoan ngoãn.
Trước thực trạng này, thiết nghĩ, gia đình là nơi cần nhất để giúp HS có kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Phụ huynh phải thường xuyên kiểm tra việc sử dụng điện thoại, học hành, giải trí, bạn bè của HS. Không thể cấm nhưng phải chỉ cho các em biết cách dùng, thấy được mặt tốt và xấu.
Về phía nhà trường, cần làm tốt công tác tuyên truyền; tổ chức nhiều hơn những buổi học chuyên đề, ngoại khóa, thông qua các chuyên gia giúp HS hiểu biết những quy định của pháp luật; cho HS làm cam kết, có phụ huynh xác nhận về việc sử dụng điện thoại. Mặt khác, để có được tính dân chủ trong học đường, tôn trọng ý kiến phản biện của HS, nhà trường phải luôn lắng nghe bằng nhiều hình thức. Nhà trường cần tổ chức thường xuyên những buổi đối thoại trực tiếp với HS để nắm bắt mong mỏi, tâm tư của các em. Như thế mới mong hạn chế những bộc phát “tức nước vỡ bờ” gây phiền toái trên các trang mạng xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.