Câu chuyện giáo dục: Học sinh thật sự đã trưởng thành sau lễ trưởng thành ?

Những ngày cuối tháng 5, thầy trò các trường phổ thông thường tổ chức lễ tổng kết và lễ Tri ân, trưởng thành cho học sinh (HS) khối lớp 12.

Những người gắn bó với công việc giáo dục chắc hẳn sẽ đồng cảm với tôi cảm xúc này: niềm vui và nỗi buồn đan xen lẫn lộn.
Vui vì được thấy một thế hệ HS nữa trưởng thành, ra đời. Lễ Tri ân, trưởng thành cho một thế hệ HS kết thúc 12 năm đèn sách với nhiều bài phát biểu của HS, giáo viên và phụ huynh xúc động nghẹn ngào... Những điều đó khiến nhiều người không khỏi phấn khởi, cảm kích, tự hào về công sức và thành quả của mình trong sự nghiệp trồng người.
Nhưng niềm vui ấy chưa thật trọn vẹn khi mà thực chất lực học của một bộ phận HS chưa tương xứng với danh hiệu và phần thưởng mà họ nhận được. Nhiều trường dân lập, tư thục (và cả công lập), HS khá, giỏi chiếm một tỷ lệ cao... đến khó hiểu!
Tổ chức lễ Tri ân, trưởng thành cho HS lớp 12 là việc làm hết sức ý nghĩa. Nhưng nếu trước đây, khi mới thực hiện, thật sự xúc động và đạt được mục đích giáo dục thì sau nhiều năm, nhiều buổi lễ trở nên đơn điệu, hình thức vì quá "kịch bản" mà thiếu tự nhiên. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nhiều buổi lễ giờ đây ít có được cảm xúc thật sự, thiếu không khí lắng đọng, thiêng liêng.
Phụ huynh một HS lớp 12 hỏi tôi: "Con tôi có thật sự trưởng thành không thầy? Sao khi về nhà, cái gì nó cũng vụng về, cái gì nó cũng trông nhờ vào cha mẹ?". Tôi hỏi: "Thế về nhà em có phụ giúp việc bếp núc gì cho phụ huynh không?". "Không thầy ạ! Khi tôi đi vắng, không ai nấu nướng, nó chỉ biết làm mì tôm hoặc mua cơm hộp". Thế nhưng có ai biết rằng em HS này đã được xếp loại giỏi điểm thi nghề phổ thông môn nấu ăn năm lớp 11!
Một năm học nữa sắp kết thúc. Những HS lớp 12 này sẽ vào đời. Liệu họ có thật sự đã trưởng thành? Câu hỏi trên của vị phụ huynh kia cứ chập chờn trong đầu tôi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.