Câu chuyện giáo dục: Đừng dạy trẻ bằng cách 'hù dọa'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
07/09/2019 09:59 GMT+7

Có nhiều giáo viên cứ cố gắng gồng mình, nghiêm nghị với học sinh (HS) nhưng không biết rằng hành động đó càng tạo khoảng cách xa với HS.

“Hôm nay đi học có gì vui không?”, đó là câu hỏi thường xuyên khi tôi gọi điện thoại video nói chuyện với em trai. Mặt em bí xị và kể rằng, hôm nay hơi sợ vì có cô giáo vào lớp, trong lớp chưa chuẩn bị khăn trải bàn. Thế là cô giáo tuyên bố: “Tiết sau không có khăn trải bàn là mấy em đứng học hết tiết”.
Có thể đó là lời nhắc nhở hơi nghiêm nghị của giáo viên nhưng với HS đó là lời “hù dọa”. Dẫu biết rằng, những HS đó cần phải có ý thức dọn dẹp vệ sinh lớp học, và trải tấm khăn đó là “nhiệm vụ” của chúng nhưng với câu nói đó về lâu dài, sẽ để lại ấn tượng không hay.
Những HS này không biết về sau có còn dám phát biểu hay có ý kiến gì về môn học hay không?
Tiếp xúc với cô Nguyễn Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng Trường mầm non P.4, Q.10 (TP.HCM), cô cho rằng giáo viên phải xem HS như con của mình. Cô Sương cho biết cô giáo là người mẹ thứ hai, cô gần gũi con, con mới gần gũi mình, như vậy khi đến trường trẻ sẽ hòa nhập. Ngược lại, nếu cô giáo khó chịu, hù dọa HS thì trẻ sẽ sợ mình nhưng thiếu gần gũi thì cô sẽ không hiểu trẻ. Cô Sương chia sẻ: “Tùy theo cá tính của từng HS mà mình xử lý sao cho phù hợp, chứ mắng, la hay đánh là hành vi không đúng. Muốn trẻ gần gũi với cô thì cô phải gần gũi với trẻ, cô mặt lạnh như tiền thì HS không dám đến gần đâu”.
Cô Lương Du Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10, TP.HCM), đã từng chứng kiến HS không chịu chia sẻ, bất hợp tác với giáo viên, có thể bỏ học vì giáo viên đó. Đối với HS này, mỗi ngày đến trường là một áp lực vì cô giáo khó quá, không dám lại gần.
Nghiêm khắc với HS là cần thiết nhằm giáo dục nhân cách HS. Tuy nhiên nghiêm khắc không phải là hà khắc, khiến HS khiếp sợ. Làm HS sợ mình là sự thất bại chứ đâu phải thành công. Cô Lương Du Mai tâm sự: “Thành công của một giáo viên là làm sao HS dễ dàng bắt chuyện và tin tưởng trao đổi với mình. Không chỉ đến trường là một ngày vui mà đối với các em đến trường còn là một ngày hạnh phúc”.
Và trong thực tế những câu chuyện đẹp của giáo viên và HS thường bắt nguồn từ tình thương, sự chân thành chứ không phải bằng những lời đe dọa hay hành động bạo lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.