Câu chuyện giáo dục: Đề thi học sinh giỏi dành cho tiến sĩ, giáo sư

16/01/2021 09:03 GMT+7

Vài ngày qua, nhiều người 'choáng' với đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 của Hà Nội. Đề thi gồm hai câu hỏi. Cả hai đều yêu cầu học sinh viết bài văn trong thời gian 150 phút.

Ở câu 1 (6 điểm) đưa ra đoạn trích được dịch từ tác phẩm nước ngoài (Phỏng theo Khóc giùm). Câu chuyện ngắn gọn và rất ý nghĩa. Có thể gói gọn như sau: Một cô bé đi học về muộn khiến cha mẹ lo lắng. Về đến nhà, mẹ hỏi thì bé giải thích rằng phải dừng lại để giúp bạn bị hỏng xe đạp. Người mẹ ngạc nhiên hỏi: “Nhưng con đâu có biết sửa xe”. Cô bé trả lời rằng: “Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”. Đề yêu cầu viết bài văn nghị luận (khoảng hai trang giấy thi) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của câu chuyện.
Đây là một câu chuyện đẹp, ý nghĩa về tình bạn, về những suy nghĩ, hành động ngây thơ, trong sáng của trẻ con khi biết quan tâm bạn, giúp bạn ấy không phải sửa xe mà “khóc giùm”. Với tình trạng bạo lực học đường xảy ra liên tiếp trong nhiều tháng qua thì câu chuyện này càng thêm ý nghĩa.
Trái với câu 1, câu 2 (14 điểm) khiến cho người lớn “choáng”. Ngay cả những giáo viên văn chúng tôi dạy học nhiều năm ở bậc THCS và THPT cũng phải choáng trước câu hỏi vừa cũ rích vừa quá khó này.
Nội dung câu hỏi như sau: Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là “chủ ngữ” còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem như là “vị ngữ”. (Trích Lý luận văn học, NXB Giáo dục, 2002). Đề yêu cầu như sau: Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ “chủ ngữ” mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của “vị ngữ” trong một vài tác phẩm ở chương trình ngữ văn trung học cơ sở”.
Hầu hết giáo viên dạy văn đều nhận định đề quá khó, quá tầm đối với học sinh giỏi lớp 9. Đề này quá cũ, quá hàn lâm, khó hiểu, khó làm. Học sinh khó có thể làm tốt, thậm chí làm đúng trọng tâm yêu cầu của đề. Câu hỏi không hay và gây khó cho học sinh. Nếu học sinh làm đúng thì bài văn cũng trở nên khô khan, gượng ép chứ khó có cái hay, sự sáng tạo. Đề cao siêu, thiếu thực tế, nhất là thiếu hơi thở của văn chương gắn với hơi thở của thời đại, cuộc sống khiến cho đề nhạt.
Đề thi này phù hợp với những người đã và đang nghiên cứu, những tiến sĩ, giáo sư lý luận văn học.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.