Cấp bách giáo dục giá trị cho học sinh

Ngày nay, qua truyền thông, chúng ta bắt gặp không biết bao nhiêu thông tin đau lòng liên quan đến tuổi vị thành niên. Ma túy, say game, đánh nhau, giết bạn, cướp của, thậm chí hành hạ người thân chỉ vì tiền. Phải chăng trong công tác giáo dục của chúng ta đang có điều gì đó khiếm khuyết, chưa tốt?

Trong nỗ lực đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục, những người làm công tác giáo dục đã nhận thấy một lỗ hổng lớn trong việc dạy và học và đã thay cách truyền thụ kiến thức theo lối nhồi nhét, đọc chép bằng chương trình theo mô hình phát triển năng lực. Đó là một xu hướng đúng và cần làm. Tuy nhiên, đây chủ yếu vẫn nhằm khắc phục cách tiếp cận lấy kiến thức làm mục đích tự thân, trong khi mục tiêu của giáo dục không chỉ là truyền thụ kiến thức mà còn có vấn đề hình thành nhân cách hay nói rộng hơn là giáo dục giá trị.
Đừng coi nhẹ dạy người
Giáo dục giá trị là truyền lại cho thế hệ trẻ những giá trị mà các thế hệ đi trước đã tích lũy được cũng giống như giáo dục tri thức là cung cấp cho học sinh những kiến thức mà nhân loại có được trong quá trình khám phá tự nhiên, con người và xã hội. Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ, mở mang trí óc mà còn là nơi bồi dưỡng cho học sinh cách sống, thái độ, cách ứng xử với những người xung quanh, với môi trường. Giáo dục tri thức và giáo dục giá trị gắn chặt với nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình dạy học và toàn bộ sinh hoạt của nhà trường. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực có đặc điểm riêng, có yêu cầu và phương pháp riêng. Những khiếm khuyết dẫn đến có nhiều hiện tượng tiêu cực trong lứa tuổi vị thành niên hiện nay bắt nguồn một phần chính từ việc không quan tâm đầy đủ đến tầm quan trọng, đặc điểm và phương pháp của giáo dục giá trị nhà trường, coi nhẹ việc dạy người hơn dạy chữ.
Phụ huynh và cả nhà trường thường quan tâm trước hết đến điểm số, đến việc con em mình có vào được trường chuyên lớp chọn không, có thi vào đại học được không, có xin việc được không. Vì thế đã bỏ qua những thiếu sót của chúng trong trách nhiệm với gia đình, cách quản lý thời gian, thái độ với lao động, quan hệ với bạn bè. Những lỗ hổng ấy mỗi ngày mà cả cha mẹ và nhà trường đều không lường tới.
Hãy yêu thương học sinh thật lòng
Do không chú ý đúng mức đến việc giáo dục giá trị nên người ta cũng thường bỏ qua đặc điểm của hoạt động giáo dục này, từ đó làm giảm hiệu quả tác động của nó. Chẳng hạn, trong giờ học đạo đức hay giáo dục công dân, thầy giáo chỉ tập trung thuyết giảng, giải thích thế nào là trung thực, nhân ái hay yêu nước nhưng quên mất rằng truyền đạt giá trị rất khác cách truyền thụ kiến thức. Ở đây chỉ thuyết giảng, dạy dỗ từ trên cao, từ bên ngoài là không đủ. Cái cần cho trẻ em không phải là nhận biết một giá trị, biết thế nào là trung thực, nhân ái mà cái chính là giúp các em trải nghiệm, thấm nhuần và có được giá trị ấy, biết hành xử theo tiêu chuẩn của giá trị ấy.
Muốn thế, ngoài giờ giảng chung cho học sinh trên lớp, trên hội trường, cần có sự gần gũi với từng học sinh, cần có sự tiếp cận cá nhân với mỗi đứa trẻ, nhất là những em có vấn đề. Nhiều phụ huynh nói rằng họ dạy dỗ các con mình giống nhau, không phân biệt đứa nào thương đứa nào ghét, thế mà không hiểu tại sao có đứa vẫn hư. Đó là vì tuy cùng là con nhưng mỗi đứa có tâm lý, tính cách khác nhau, đòi hỏi phải có các tiếp cận riêng. Nếu chỉ dạy tất cả theo một cách giống nhau, nhất định sẽ có trẻ cảm thấy không phù hợp.
Đặc biệt trong giáo dục giá trị, ngoài yêu cầu tiếp cận cá nhân, tình cảm có vai trò rất quan trọng. Khác với tri thức, các giá trị thường đi vào trẻ em qua con đường tình cảm. Nếu chỉ tiếp thu bằng lý trí, các giá trị sẽ dễ trượt qua, không đọng lại ở trẻ, càng không có khả năng biến thành hành động. Bởi vậy muốn tác động vào tình cảm của trẻ, thầy giáo và cha mẹ học sinh phải yêu thương, thật lòng, cởi mở với chúng. Bằng con đường đó, bài học giá trị sẽ dễ dàng đi vào trẻ, biến thành của chúng, định hướng hành động của chúng.
Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0. Thành tựu công nghệ đang dẫn dắt hành động của con người, nhất là giới trẻ. Trong bối cảnh ấy giáo giục giá trị càng trở nên cấp bách. Dù khoa học và công nghệ có phát triển như thế nào, những giá trị chung của nhân loại về cách làm người, về tiến bộ xã hội vẫn là những nền tảng không thể thiếu trong cuộc sống. Nó giúp trẻ em không cảm thấy hụt hẫng khi đứng trước những “siêu thị” vật chất khổng lồ hay những phát minh công nghệ choáng ngợp. Sự thiếu hụt những giá trị căn bản và niềm tin vào những giá trị tinh thần sẽ làm cho trẻ bối rối, không làm chủ được mình và vô cảm. Từ đó dễ dẫn đến những hành động tiêu cực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.