Cảnh báo nguy cơ trẻ em bị lạm dụng khi học trực tuyến

Thu Hằng
Thu Hằng
11/04/2020 09:18 GMT+7

Lợi dụng các buổi học trực tuyến (online) trong dịch Covid-19 , các đối tượng xấu đã kết bạn, dụ dỗ học sinh chụp ảnh nhạy cảm với những lời mời hấp dẫn.

Chụp hình không mặc gì để thi người đẹp !

Chia sẻ với Thanh Niên, chị H.L, một phụ huynh có con học tại một trường THCS ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết cách đây 1 tuần, trong nhóm phụ huynh có chia sẻ tin nhắn có nội dung dụ dỗ tham gia cuộc thi người đẹp dành cho lứa tuổi từ 12 - 15. Trong tin nhắn, “người lạ” có đề nghị học sinh gửi ảnh toàn thân không mặc quần áo với mục đích kiểm tra sẹo. Chị H.L kể: “Đọc xong tôi rụng rời chân tay, hỏi con gái, cháu nói đã từng nhận tin nhắn tương tự như vậy. Không rõ tin nhắn kia từ đâu nhưng vì các con đang học online nên các phụ huynh lo lắng cảnh báo cho nhau để giám sát con học”.
Tin nhắn có đoạn: “Để tham gia trước tiên em phải chụp cho chị 4 tấm hình (1 tấm chính diện toàn thân mặt trước, 1 tấm chính diện toàn thân mặt sau, 2 tấm 2 mặt nghiêng 2 bên). 4 tấm hình này không tham gia thi và yêu cầu khi chụp không được mặc gì cả, do chị đích thân kiểm tra sẹo. Kiểm tra sẹo xong chị sẽ quyết định em mặc trang phục gì để thi thể hình”.

Các lưu ý bảo vệ học sinh khi học trực tuyến

Bà Nguyễn Thuận Hải khuyến cáo: “Các bậc phụ huynh nên dùng phần mềm diệt vi rút hoặc có những bộ lọc, cài vào máy tính có thể hạn chế được phần nào những nội dung người lớn mà trẻ em có thể truy cập vào. Với trẻ em, không được mở, đặc biệt khi thấy những hình ảnh, những yếu tố không phù hợp, hay những người lạ thì không được phép mở ra hoặc không kết bạn, không trò chuyện, không mở webcam với những người mà mình không biết là ngoài đời thực”.
Bà Hải lưu ý các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con mình, phải biết các con vào những trang gì, thường xuyên trò chuyện với con để biết con thích chương trình gì để hỗ trợ con một cách tốt nhất, chia sẻ những gì trẻ thấy lo sợ hoặc thấy không an toàn. Khi cần hỗ trợ, tư vấn trẻ em và phụ huynh có thể liên hệ số máy 111 - Tổng đài Bảo vệ trẻ em quốc gia.
Theo anh C.T, phụ huynh một trường THCS ở Q.Đống Đa (Hà Nội), nhà trường yêu cầu các con không được dùng nick ảo mà phải dùng tên thật, tắt mic và tắt camera khi cô giáo giảng bài. Chỉ khi giáo viên yêu cầu phát biểu học sinh mới được bật lên.
Anh C.T, có con học ở một trường THCS của Q.Đống Đa (Hà Nội), cho hay anh cũng nhận được tin nhắn của nhà trường cảnh báo về hiện tượng này khi học trực tuyến. Anh C.T nói: “Khi nhận được tin nhắn của nhà trường, nhiều phụ huynh “tá hỏa” hỏi nhau vì các con thường giấu bố mẹ. Ngay sau đó, ban giám hiệu đã đề nghị cô giáo chủ nhiệm báo với các phụ huynh để nhắc nhở các con”.

Nhà trường nhắn tin cảnh báo các phụ huynh 

Ảnh: T.Hằng

Đề nghị an ninh mạng vào cuộc

Bà Nguyễn Thuận Hải, Tổng đài trưởng Tổng đài quốc gia Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay trước đây đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị quấy rối và xâm hại trên môi trường mạng. Nhiều trường hợp tổng đài đã can thiệp và hỗ trợ.
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học trên cả nước đã triển khai dạy học trực tuyên và phần mềm miễn phí trên mạng. Lợi dụng điều này, hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ em qua mạng tăng bất thường. Tổng đài tiếp nhận được một số trường hợp phụ huynh gọi báo và chúng tôi cũng đều có những hỗ trợ nhất định. Đồng thời, những trường hợp này chúng tôi đều gửi thông tin cho Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT)”, bà Hải cho biết.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), đây không còn là vấn đề của riêng VN mà còn là của thế giới trong tình hình dịch bệnh. “Đây là hành vi vi phạm pháp luật, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần phải có những biện pháp tăng cường quản lý, xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo bà Hải, hiện nay, phần lớn học sinh các trường đang sử dụng những phần mềm như Zoom hay phần mềm có chức năng bảo vệ an toàn cao hơn như Google Classroom. Tuy nhiên, khi học sinh sử dụng internet để học vẫn có những trang web lạ hiện lên.
Để giúp trẻ em nhận biết những nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng, ông Đặng Hoa Nam cho biết: “Cục Trẻ em đang cùng Tổ chức UNICEF và một số tổ chức quốc tế khác biên soạn tài liệu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để hướng dẫn phụ huynh và trẻ em. Dự kiến, ngày 13.4, tài liệu hướng dẫn sẽ được đưa lên mạng xã hội để trẻ em dễ dàng tiếp cận hơn”.
Cục Trẻ em cũng đã gửi thông tin cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục An ninh mạng (Bộ TT-TT) đề nghị vào cuộc xác minh thông tin hiện tượng báo chí nêu khi học sinh học trực tuyến, xử lý những trường hợp vi phạm, nếu nghiêm trọng cơ quan điều tra có thể xử lý hình sự.
 * Bài viết đã được cập nhật ngày 16.4.2020, gỡ bỏ một tấm hình không rõ nguồn gốc theo yêu cầu của bà Lê Bảo Ngọc. Cảm ơn những góp ý của bạn đọc!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.