Căng mình ôn thi

Gần 2 tuần nữa học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Mỗi trường và từng học sinh có cách thức riêng để việc ôn thi hiệu quả nhất, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm như hiện nay.

Học sinh khá giỏi ít có nhu cầu ôn tại trường
Ghi nhận của PV Thanh Niên, không nhiều trường THPT ở Hà Nội tổ chức ôn tập cho học sinh (HS) lớp 12 trong tháng 6 mà dành thời gian này để HS tự ôn hoặc ôn với những giáo viên (GV) mà HS thấy phù hợp.
Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là một trong số ít trường tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 với cả 2 mục đích: xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Bà Nguyễn Thị Phương Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Những HS học lực đuối hơn thì sẽ được những GV giàu kinh nghiệm kèm cặp sát sao hơn, chương trình học cũng được thiết kế riêng để mang lại hiệu quả tốt hơn”.
Thời gian này các giáo viên được phân công ôn tập cho học sinh sẵn sàng ở lại trường cho đến khi nào thấy yên tâm với kiến thức của các em mới thôi. Nếu sau buổi chiều các em vẫn chưa hoàn thành bài vở theo yêu cầu thì thầy cô sẵn sàng hỗ trợ học sinh vào buổi tối
Lê Văn Phước
 
Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Trường THPT Phan Huy Chú cũng tổ chức ôn tập theo nguyện vọng của HS. Có khoảng 2/3 HS lớp 12 đăng ký ôn thi tại trường trong tháng 6 vào tất cả các buổi trong tuần. HS có học lực kém hơn thì thời gian ôn tập tăng thêm một buổi. Một HS của trường này cho biết: “Nhà trường đã tổ chức tổng cộng 5 lần khảo sát, tập dượt cho kỳ thi”. GV Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng cũng căng mình dạy ôn cho HS với mục tiêu lớn nhất là đạt được yêu cầu xét tốt nghiệp.
Trong khi đó, hầu hết các trường thuộc tốp đầu của Hà Nội lại không tổ chức ôn tập cho HS trong tháng 6. Hiệu trưởng các trường THPT như: Việt Đức, Yên Hòa, Chu Văn An... đều cho hay số lượng HS đăng ký học ôn sau khi kết thúc năm học rất ít, do vậy kết thúc năm học, GV bộ môn chỉ định hướng cho các em cách ôn thi, tổng hợp kiến thức, cách làm bài thi... sao cho hiệu quả.
Một phụ huynh có con học lớp 12 Trường THPT Hà Nội Amsterdam cho biết: “Nhà trường không tổ chức ôn tập nhưng cháu vẫn học ôn 3 môn đăng ký xét tuyển sinh ĐH với các thầy cô. Ngoài ra, cháu còn học với gia sư, tự học để ôn các môn thi tốt nghiệp nữa”. Đây cũng là cách mà nhiều HS có mục tiêu dự thi để xét ĐH, CĐ lựa chọn, vì cho rằng sẽ hiệu quả hơn khi được học thêm với những GV giỏi nhất thay vì học thêm đồng loạt tại trường.
Học ở nhà, ti vi và internet... níu kéo
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường THPT có thể tổ chức ôn thi cho HS lớp 12 đến cuối tháng 6 dựa trên tinh thần tự nguyện đăng ký tham gia. Lãnh đạo nhiều trường dự đoán sẽ không nhiều HS học ôn tại trường, nhưng thực tế hầu hết HS đều đăng ký.
Chỉ tổ chức ôn tập vào buổi sáng nhưng buổi trưa, tại căn tin cũng như các phòng học của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) có khá đông HS. Một HS nam nói: “Buổi chiều chúng em có thể tự học, nhưng ở nhà có quá nhiều cám dỗ, nào là ti vi, internet hoặc hơi mệt lại lăn ra ngủ... Do vậy em ở lại trường luôn để chiều học ôn với các bạn cho có không khí”. Bà Hoàng Thị Diễm Trang, Hiệu phó nhà trường, cho biết: “Hồi đầu tháng 6 khi nhận thấy có nhiều HS ở lại trường, ban giám hiệu cho mở cửa thư viện và các phòng học tạo mọi điều kiện cho học trò”.
Tương tự, Trường THPT Võ Thị Sáu (Q.Bình Thạnh) có khoảng 80% HS đăng ký ôn thi. Trường bố trí cả phòng nghỉ trưa có gắn máy lạnh dành cho HS khối 12 có nhu cầu nghỉ trưa tại trường. Ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Trường đã thông báo cho phụ huynh, thời gian này các GV được phân công ôn tập cho HS sẵn sàng ở lại trường cho đến khi nào thấy yên tâm với kiến thức của các em mới thôi. Nếu sau buổi chiều các em vẫn chưa hoàn thành bài vở theo yêu cầu thì thầy cô sẵn sàng hỗ trợ HS vào buổi tối”.

tin liên quan

Lần đầu tiên 63 tỉnh, thành giúp thí sinh
Năm nay, kỳ thi THPT quốc gia được chia thành nhiều cụm ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Để phù hợp với sự thay đổi của kỳ thi, chương trình Tiếp sức mùa thi được tổ chức tại 63/63 tỉnh, thành.
HS ở các trường tư ôn tập với cường độ cao hơn. Hiệu trưởng một trường dân lập tại Q.Tân Phú cho biết: “Kết quả của HS sẽ thể hiện uy tín, chất lượng của trường, quyết định số lượng HS đăng ký những năm học sau. Đặc biệt với thực tế trường tư ngày càng khó tuyển sinh nên các trường đều phải cố gắng tổ chức ôn tập cho HS”.
Tại Trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú), HS học tập trung ban ngày, sau đó từ 19 - 22 giờ 30 lên phòng tự học dưới sự hướng dẫn của GV bộ môn, quản nhiệm.
Tập trung thi thử
Hầu hết các trường THPT đều tổ chức cho HS thi thử. Bà Diễm Trang cho hay các GV chấm bài thi thử xong liền sửa bài cho HS để rút kinh nghiệm, củng cố thêm kỹ năng làm bài.
Lãnh đạo Trường THPT Nhân Việt thông tin từ đầu tháng 6 đến nay, hằng tuần trường đều tổ chức cho HS thi thử theo cấu trúc đề thi năm ngoái. Hai tuần đầu, đề thi có yêu cầu khó hơn đề thi năm trước để HS không chủ quan. Nhưng đến 2 tuần cuối này, đề sẽ tương tự của Bộ để HS tập trung vào việc rèn kỹ năng làm bài.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho rằng thời điểm này, việc cần nhất là HS nên dành thời gian để tổng hợp lại toàn bộ kiến thức đã học, tự làm theo các đề thi minh họa để trau dồi kỹ năng làm bài. Quan trọng là HS cần chú ý đảm bảo thời gian ăn, ngủ hợp lý để có sức khỏe, tâm lý tốt nhất trong kỳ thi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.