Càng bao bọc, càng khiến trẻ mất tự tin

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
30/11/2018 19:00 GMT+7

Một em bé nước ngoài khoảng 4 tuổi, học tiếng Việt không lâu đã có thể phiên dịch giúp mẹ trên xe taxi bằng phong thái tự tin, là hình ảnh của một clip đang thu hút sự quan tâm của nhiều người trong những ngày qua.

Không mè nheo quấy khóc, tự mình làm mọi thứ… cũng là hình ảnh quen thuộc của những em bé nước ngoài khác. Trong khi đó, đa số trẻ em Việt lâu nay thường nhút nhát, thiếu tự tin khi đi ra ngoài. Làm cách nào để thay đổi điều đó?

“Thả” con từ nhỏ

Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Rõ ràng, để có được sự tự tin, độc lập như vậy, trẻ em nước ngoài được ba mẹ 'thả' ngay từ nhỏ. Chẳng có chuyện bế, các bé cứ nằm trong xe đẩy mà giao tiếp với cuộc sống. Cho con ra sưởi nắng, hít khí trời, thả con vào nước cho tự bơi. Nói chung là tự lập từ sớm. Trẻ em ở ta không tự tin là do bố mẹ cứ giành hết mọi việc. Từ chuyện ăn uống đến quần áo, rửa chén, nấu cơm..., và còn nhiều việc khác nữa”.

Kể về kinh nghiệm dạy con của mình, tiến sĩ Trần Nam Dũng cho biết: “Hồi trước 2 nhóc con trai tôi toàn ngủ nướng, sáng mẹ toàn phải gọi dậy, mặc quần áo rồi đẩy đến trường. Thế rồi có lần mẹ chúng đi công tác một tháng, lúc về nhà vô cùng bất ngờ vì sáng dậy thấy con mình quần áo chỉnh tề hối ba mẹ dậy chở đi học. Vậy đó, chỉ cần thả cho một tuần là con trẻ răm rắp vào nếp ngay, vì đi học trễ là bị cô la, chúng rất sợ”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hải Như, đang sinh sống ở Pháp, có 2 con nhỏ học tiểu học, cho rằng cách giáo dục của phụ huynh và nhà trường ở nước ngoài rất khác, họ thường khuyến khích con trẻ tự làm những thứ mà con làm được. “Ví dụ con tôi đi học mà quên đồ thì ráng chịu vì soạn đồ đi học là việc của con, con đi học chứ không phải mẹ đi học. Nếu làm giúp con thì lần sau con sẽ ỉ lại là có người khác lo, sẽ lại tiếp tục không chú tâm vào việc của mình. Bên cạnh đó, ở bên Pháp, con nít làm sai sẽ không bị đánh, cũng không bị la mắng. Thay vào đó, cha mẹ sẽ lắng nghe, chia sẻ, giúp con hiểu ra vấn đề và khắc phục lỗi”, chị Như bày tỏ.

Theo chị Như, đó là lý do mà mọi đứa trẻ nước ngoài đều tự tin khi bước ra đường, tự làm mọi việc trong khả năng của con, không phụ thuộc cha mẹ, thậm chí còn giúp cha mẹ xử lý các tình huống khác.

Cần thay đổi tư duy

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhìn nhận thế hệ trẻ ngày nay đã tự tin, tự lập hơn nhiều so với các thế hệ trước, do có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc với phương pháp giáo dục tiên tiến của các nước phát triển. “Tuy nhiên, không phải là tất cả đều được như vậy. Quan niệm, tư duy của gia đình, nhà trường và xã hội vẫn còn chưa đổi mới triệt để. Ở trong nhà, cha mẹ còn áp đặt con cái, trên lớp học thì thầy cô cũng còn áp đặt lên học trò… Trẻ chưa được khuyến khích sự mạnh dạn, tự tin nói lên ý kiến của mình. Chương trình giáo dục lâu nay đã có nhiều thay đổi để giúp người học phát huy tư duy độc lập như là một yêu cầu về năng lực của học sinh. Giáo viên chưa thay đổi tư duy, nên chưa khuyến khích được học sinh. Xã hội cũng còn nhiều áp đặt nên khó để những cá nhân đơn lẻ có môi trường để phát huy”.

GS Thuyết cho rằng phải coi đây là một “cuộc cách mạng” thực sự trong quan niệm và cách hành xử xã hội. Có như vậy, các thế hệ sau này mới có thể tự tin, độc lập trong mọi môi trường, mọi hoàn cảnh.

Ở góc độ tâm lý, thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Văn hóa phương Tây giúp đứa trẻ tự tin, độc lập từ sớm, do người lớn tôn trọng trẻ và biết cách động viên, khuyến khích chúng tự lập. Trong tiến trình phát triển, giai đoạn mầm non, trẻ có thể gặp phải 'khủng hoảng tuổi lên 3' - lúc này nhu cầu độc lập, làm theo ý muốn bản thân ở trẻ phát triển mạnh mẽ. Nếu trước và trong giai đoạn này người lớn hiểu và giáo dục đúng phương pháp sẽ giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn cũng như tăng cường các kỹ năng xã hội. Phương Tây họ rất chú trọng điều đó. Thực tế cho thấy trẻ em Việt Nam 3 tuổi, thậm chí lớn hơn vẫn được ba mẹ đút cơm, rót nước, mặc đồ thay con. Rất nhiều việc có thể tự làm thì ba mẹ bằng lý do nào đó đã từ chối cho con tự trải nghiệm dẫn đến thói quen lệ thuộc. Chính lối giáo dục bao bọc của cha mẹ ảnh hưởng lớn đến cơ hội trưởng thành của con”.
Thạc sĩ Huân lý giải thêm, ở trường học, dù phương pháp dạy học, giáo dục đã có nhiều khởi sắc nhưng chúng ta chưa thực sự tạo điều kiện để “dạy người”, dạy kỹ năng cho trẻ... Ngoài ra, lớp học sĩ số đông khiến giáo viên khó khăn trong việc phát triển cá nhân, lại không có không gian mở, nên còn nhiều hạn chế trong việc giáo dục trẻ tự tin, độc lập.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho rằng thầy cô không nên “giành” hết việc của trò, ví dụ như cố gắng giảng bài, làm bài tập cho học sinh chép. “Chúng ta chỉ nên hướng dẫn học sinh học, tự làm bài, thảo luận, đi tìm công thức, đi tìm chân lý. Không đọc chân lý cho học sinh chép”, tiến sĩ Dũng nêu quan điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.