Cần nhấn mạnh giáo dục tinh thần phản biện

13/05/2017 08:01 GMT+7

Ngày 12.5, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục (IRED) đã tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nhiều ý kiến nhấn mạnh đến việc khơi dậy tính sáng tạo cho học sinh.

Để đi kịp các nước
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung, Viện IRED, cho rằng ở các nước phát triển, giáo dục tư duy phản biện là nội dung cốt lõi, là trung tâm trong sứ mệnh của hệ thống giáo dục quốc gia, được thể hiện xuyên suốt chương trình giáo dục, có mặt trong từng môn học và từng hoạt động giáo dục. Nếu học sinh không có óc phản biện thì sẽ chỉ biết và chấp nhận động cơ đó vận hành như thế, không muốn tò mò, đặt câu hỏi hay tìm hiểu về nó…
Theo ông Trung, giáo dục tinh thần phản biện phải được nhấn mạnh hàng đầu, bởi lẽ đó là nguồn cội của các phát minh, phát kiến, các sáng tạo. Đó là năng lực tối cần để học sinh có thể tự khai phóng và phát triển bản thân, đạt được sự tự chủ về mặt trí tuệ và khả năng nghiên cứu, khả năng tự học hỏi mà dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã đề cập. Tuy nhiên ông Trung cho biết: “Đọc toàn bộ dự thảo chương trình, tôi không thấy nhắc tới khái niệm "tinh thần phản biện", trong khi đây là từ khóa chính trong chương trình giáo dục của các nước phát triển, và nếu như vậy thì chúng ta vẫn luôn mãi đi sau họ rất xa trên con đường tiến đến một xã hội văn minh và thịnh vượng”.
Vì vậy, ông Trung đề nghị nên đưa giáo dục tinh thần phản biện này vào trong thiết kế chương trình giáo dục phổ thông quốc gia.

Đào tạo con người sáng tạo
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân tâm huyết với giáo dục, đặt vấn đề về mục tiêu giáo dục con người sáng tạo. Theo ông Nam, đào tạo 1.000 nhà sáng tạo công nghệ có giá trị hơn 1 triệu lập trình viên.
Bà Trần Thúy Hằng, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa TP.HCM, cho rằng trong dự thảo không thấy khía cạnh đào tạo giáo viên, tư duy của người dạy. Mà tư duy của giáo viên là rất quan trọng vì không vững, không đổi mới thì chương trình không thành công.
Còn bà Lê Thị Nga, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho rằng học sinh cứ chạy theo hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Vì vậy chương trình mới cần có những nội dung giải phóng được áp lực thi cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.