Cần nâng cao chất lượng đào tạo hệ cử tuyển

20/01/2006 22:30 GMT+7

*Kiến nghị có trường dự bị ĐH khu vực ĐBSCL Hôm qua 20/1, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác cử tuyển đào tạo ĐH cũng qua cầu truyền hình như hội nghị tuyển sinh ngày hôm trước. Tại đầu cầu Cần Thơ, lãnh đạo Sở GD-ĐT Đồng Tháp cho rằng, nhờ có chế độ này mà con em các dân tộc ở 2 huyện có đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp giáp với Campuchia được đào tạo bài bản, trở về phục vụ tốt địa phương.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết, chỉ riêng dân tộc Khmer sinh sống tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã là 1,3 triệu nhưng nhiều năm gần đây các tỉnh này đều không tuyển đủ chỉ tiêu đi học theo diện cử tuyển; rất ít học sinh đi học tại Trường dự bị ĐH tại TP.HCM, thậm chí có tỉnh không tuyển được học sinh nào. Theo các đại biểu này, một trong những nguyên nhân chính là hầu hết đồng bào dân tộc ở vùng sâu vùng xa đời sống rất khó khăn nên khi đưa con em lên học ở một thành phố có mức sống cao như TP.HCM thì "không kham nổi và cuối cùng đành phải bỏ học". Chính vì vậy, các đại biểu ở ĐBSCL kiến nghị với Bộ GD-ĐT nghiên cứu và cho Trường ĐH Cần Thơ mở trường dự bị ĐH dân tộc để con em các dân tộc thiểu số ở ĐBSCL có điều kiện nâng cao trình độ. Giải pháp học 1 năm ở trường dự bị ĐH giúp học sinh tự tin hơn khi được chuyển lên học ở bậc ĐH nên đây là điều các tỉnh ở ĐBSCL rất mong muốn được thực hiện. 

Phát biểu ở đầu cầu Hà Nội về chất lượng đào tạo hệ cử tuyển, ông Mai Công Khanh đặt vấn đề: Tại sao nhiều địa phương phân vân khi tiếp nhận các "sản phẩm được đào tạo" từ hệ này? Ông đề nghị vẫn nên đặt một mức tuyển chọn nào đó để phân loại ứng viên hệ cử tuyển. Đối với những học sinh không đủ khả năng theo học ở bậc ĐH thì không nên cử đi học, tốt nhất là nên mở rộng việc theo học tại các trường dự bị ĐH. Cũng về vấn đề này, Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Khánh Hòa Vũ Tiến Cát nêu rõ: "Văn bản của Bộ là tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số nhưng trong điều kiện hiện nay - do sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu này không quá bức thiết (vì nguồn cán bộ đã được bổ sung) mà miền núi còn cần các nguồn nhân lực khác. Vì vậy, theo tôi nên có định hướng là tạo nguồn lao động và người lao động có kỹ thuật".

Vấn đề là ai sẽ chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí đào tạo nếu người được đào tạo không nhận công tác? Về vấn đề này, ông Cát cho rằng nếu sinh viên có nguyện vọng nhận công tác mà cơ quan cử đi không chịu phân công thì phải xác định rõ ai là người cản trở để chịu trách nhiệm.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.