Cần một kỳ nghỉ hè không bài tập, thi cử

21/05/2017 10:00 GMT+7

Không có bất cứ lý do nào đủ thuyết phục để 'chiếm dụng' thời gian nghỉ hè của học sinh. Hãy cho trẻ nghỉ hè và trải qua tuổi thơ đúng nghĩa.

Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên, thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân (ảnh), Trung tâm ứng dụng và bồi dưỡng tâm lý - giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh như vậy.

Thời điểm quan trọng để trẻ trải nghiệm
Kết thúc một năm học, sau bộn bề sách vở, bài tập và thi cử, theo ông, học sinh cần gì trong những ngày hè sắp tới?
Nghỉ hè, được đi chơi, được về quê… nên là quan tâm số một khi học sinh (HS) kết thúc năm học.
Hãy thử hỏi trẻ: “Con thích nghỉ hè chứ?” hay “Con muốn mùa hè của mình như thế nào?”, chúng sẽ nói cho bạn nghe với cảm xúc hào hứng nhất. Thậm chí một bức tranh sinh động và lý thú sẽ được trẻ tô vẽ bằng ngôn ngữ hồn nhiên đầy tha thiết.
Đây là thời điểm quan trọng để trẻ trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sinh tồn, giao tiếp xã hội, học cách thích nghi và ứng phó với các biến đổi của môi trường một cách thực tế mà không trường lớp nào đủ điều kiện để dạy chúng.
Không tổ chức dạy nội dung liên quan đến chương trình học
Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động ngoài giờ và hoạt động hè tại các trường tiểu học. Các hoạt động ngoài giờ học có thể tổ chức dưới hình thức như bồi dưỡng nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng phát triển tư duy... Sở cũng quy định, các trường tuyệt đối không tổ chức ôn tập, dạy các nội dung liên quan đến chương trình học, kể cả với học sinh chuẩn bị vào lớp 1.
Được nghỉ hè là quyền và nhu cầu chính đáng. Một năm học đã đủ dài, đủ căng thẳng, học trò xứng đáng được hưởng một kỳ nghỉ không bài tập, thi cử. Nhưng thậm chí 2 từ này vụt mất trong suy nghĩ của không ít phụ huynh. Không ít người mặc định cứ hết học chính khóa thì học thêm, học hè và con cái của họ gắn chặt với các lớp hè tại các trường, tại các trung tâm… mà bất chấp chuyện “con muốn, con thích, con cần”.
Hãy cho trẻ nghỉ hè và trải qua tuổi thơ đúng với ý nghĩa của nó.
Với những học trò ở lứa tuổi nhỏ, vẫn cần người chăm giữ mà cha mẹ không thể sắp xếp được thời gian nghỉ dài, vậy cha mẹ cần phải làm gì?
Nếu bất khả kháng vì tính chất công việc mà cha mẹ không sắp xếp được kỳ nghỉ dài, hãy thực hiện kỳ nghỉ ngắn với con sao cho trọn vẹn nhất. Sau đó nhờ ông bà, ba mẹ, người thân hỗ trợ để trẻ được nghỉ hè lâu hơn, cho trẻ về quê hoặc đưa trẻ đến các lớp học ngoại khóa, tham gia các chương trình kỹ năng do các đơn vị uy tín tổ chức. Còn phụ huynh cứ hoàn thành công việc của mình nhưng đừng bỏ bê con, hãy điện thoại hỏi thăm, hãy đi chơi với con khi có thể, hãy về quê chơi với trẻ vào cuối tuần nếu trẻ ở quê với người thân.
Trẻ càng nhỏ càng cần tình thương, sự quan tâm từ cha mẹ, người thân. Đó là hành trang quan trọng để phát triển tâm lý và hoàn thiện nhân cách của trẻ về sau.
Những ngày hè trẻ có thể sẽ tiếp cận nhiều các phương tiện công nghệ. Làm thế nào để trẻ đừng lệ thuộc hoàn toàn vào các phương tiện này, thưa ông?
Nếu chờ đến hè mới cảnh giác sự ảnh hưởng của công nghệ đến trẻ là chưa ổn. Nó cần được bắt đầu càng sớm, càng tốt. Khi phụ huynh đã tự trang bị cho chính mình các kiến thức về việc nuôi dạy trẻ trong thời đại công nghệ, hiểu rõ tác dụng và hậu quả của nó đến cả thể chất, tâm lý trẻ thì sẽ tự khắc tìm được giải pháp. Còn thực sự mất phương hướng thì hãy tìm gặp các nhà chuyên môn tâm lý, giáo dục để được hỗ trợ.
Luôn có thông báo khi mở đầu và kết thúc hoạt động nào đó để tạo chú ý có chủ định cho trẻ, giúp hình thành thói quen tốt về sau mà mình không cần phải nhắc nhở nhiều lần. Khi con vi phạm, thay vì la mắng hãy cùng con phân tích đúng, sai rồi nhẹ nhàng nhắc nhở con, chỉ cho con biết phải làm gì để tốt hơn.
Học văn hóa là “nhiệm vụ” của năm học mới
Nếu để con đến trường tham gia hoạt động trong thời gian hè thì cha mẹ nên có những lựa chọn thế nào?
Cha mẹ hạn chế đăng ký các giờ học văn hóa như ôn lại chương trình cũ hay học trước chương trình mới. Nó thực sự không cần thiết, học các môn văn hóa là nhiệm vụ của năm học mới. Thay vào đó, ở nhà chúng ta hãy dành vài buổi cố định trong tháng để ôn tập với con hay đơn giản là ngồi cùng và động viên con ôn bài. Chương trình mới của lớp con sắp học tuyệt nhiên không nên được dạy trước; nếu có, hãy khuyến khích con xem qua và tự tìm cách giải bài toán, trả lời câu hỏi… Chính sự tò mò, khám phá và cố gắng tìm hiểu vấn đề sẽ kích thích trẻ tư duy, tập trung để giải quyết vấn đề, từ đó tăng trưởng trí thông minh.
Nếu nhà trường có mở các lớp kỹ năng sống, võ thuật, nhạc, họa, bơi lội… thì hãy hỏi ý kiến và đăng ký theo nguyện vọng của con.
Cũng có suy nghĩ nếu để trẻ hoàn toàn vui chơi trong 3 tháng hè thì dễ dẫn đến xao nhãng việc học hành khi vào năm học mới. Ông nghĩ gì về điều này và trẻ nên nghỉ hè bao nhiêu là vừa?
Nghỉ hè không nhất thiết phải ôm khư khư sách vở nhưng cũng không có nghĩa là buông sách vở, kiến thức qua một bên. Chúng ta có thể định kỳ cùng con đem tập vở ra ôn luyện, xem lại bài vở bằng những trò chơi đố vui, điền vào chỗ trống, nối cột hay hái hoa dân chủ (bốc thăm) hoặc vấn đáp để trẻ không ù lì trong việc xử lý kiến thức… Khuyến khích trẻ đọc sách, báo phù hợp với lứa tuổi cũng là một trong những cách hữu ích “chăm sóc não bộ” của trẻ.
Ngoài ra, trước khi bước vào năm học khoảng 1 - 2 tuần, phụ huynh chủ động cùng con chuẩn bị tập vở, áo quần, dụng cụ học tập và trò chuyện về một năm học mới đầy hứa hẹn với bạn mới, lớp mới, thầy cô mới. Việc làm này tạo tâm thế hứng khởi, vui vẻ, đánh tan sức ì tâm lý, tạo bước đà tốt cho việc tiếp thu những kiến thức mới mà không lo lắng việc trẻ uể oải, chán nản hay xao nhãng bài vở vào năm học mới.
Phụ huynh nên dành cho con từ 2 - 2,5 tháng để nghỉ hè là hợp lý nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.