Cần khuyến khích và thừa nhận sự khác biệt

1 Tuần rồi, tôi được hầu chuyện hai người, một đã xong nhiệm vụ, một đang còn làm lãnh đạo một trường đại học lớn ở TP.HCM.

Người đã xong nhiệm vụ nói: “Phải cho con đi học thêm thôi!”.
Tôi và các bạn ngồi cùng anh đều có vẻ ngạc nhiên vì theo những gì chúng tôi được biết thì con anh học rất giỏi. Nhìn nét mặt chúng tôi, anh hiểu ra, bèn giải thích: “Không đi học thêm thì điểm của cháu thấp”. "Thấp là bao nhiêu?". Anh trả lời: “7 - 8 thôi”.
Nghe anh trả lời, một trong 5 chúng tôi (thế hệ 5X) bảo: “Thời chúng mình điểm 7 - 8 là cao lắm rồi. Hồi xưa thầy cô giáo kiệm điểm lắm. Điểm của con ông thế là tốt rồi. Cho con đi học thêm làm gì nữa?”.
Chúng tôi nói chuyện qua lại, sau cùng anh bảo cũng phải cho cháu đi học thêm thôi, nếu không thì không được loại giỏi!
2 Trên Facebook của lãnh đạo một trường ĐH, anh trích dẫn kết quả thi tốt nghiệp phổ thông có độ chênh lệch khá lớn so với điểm trung bình chung năm học. Thông tin được trích dẫn cho thấy ở một vài tỉnh điểm cách biệt nói trên khoảng trên dưới 2 điểm - khoảng cách này là vào khoảng hơn 20%. Khoan nói điểm số nào là xác thực nhưng chỉ riêng cái việc này cũng dễ dẫn đến những nghi ngờ của phụ huynh và học sinh.
3 Cô phó hiệu trưởng một trường đại học nói với tôi: "Con em bảo không biết nó sinh ra để làm gì? Nó chả được quyết định những gì nó muốn. Mẹ cứ bắt đi học thêm. Không được nghỉ, kể cả hè! Nếu mà con được tự quyết định thì quyết định đầu tiên của con là mình không nên được sinh ra". Tôi hỏi cô: "Cháu chỉ tâm sự với cô thôi chứ không có ý định là không nên sinh ra trên đời này nếu cháu được quyết định chứ?". Cô trả lời: "Em nghĩ thằng bé chỉ nói vậy thôi, để phản ứng với việc phải nhồi đủ thứ vào đầu nó cả trong trường học, cả ở nhà!".
4 Một nhà văn, nhà phê bình văn học phàn nàn rằng cho đến hôm nay mà chúng ta vẫn đúc ra những con người giống nhau: cùng nói một lời, cùng nghĩ một cách...
Tôi không đồng ý với anh bởi không hẳn hàng triệu trẻ em khi ra trường chỉ nói một kiểu, nghĩ một kiểu. Giáo dục hiện đại hướng tới từng cá nhân, từng con người nên không thể có chuyện sản phẩm giống nhau như đúc.
Sự khác biệt của mỗi con người không hề làm giảm đi tính cộng đồng và tham gia cộng đồng của con người. Chính sự khác biệt có tính đơn nhất của mỗi cá nhân trong một tập thể mà họ tham gia sẽ làm nên một tập thể mạnh mẽ hơn!
Khuyến khích và thừa nhận sự khác biệt là xu hướng của giáo dục hiện đại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.