Cần khảo sát, đánh giá năng lực cán bộ trẻ qua hiệu quả công việc

20/05/2016 08:00 GMT+7

Ngày 19.5, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi" và "Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ" của TP.HCM (2006 - 2015).

Theo báo cáo của Thành ủy TP.HCM, TP đã thẩm định, xét tuyển và bố trí công tác cho gần 1.000 cán bộ trẻ, gồm cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên theo “Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi”. Song song đó, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã đưa hàng trăm học viên đi đào tạo ở nước ngoài (chủ yếu là Úc và Anh), đồng thời bố trí công tác cho 665 người. Tuy nhiên, trong quá trình công tác có 88 cán bộ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác về các đơn vị không thuộc TP. Hiện nay, 577 học viên (44 tiến sĩ, 533 thạc sĩ) đã hoàn thành chương trình học tập và đang công tác tại các sở, ban ngành, quận - huyện, doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Tô Châu, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, hằng năm có trên 90% cán bộ hai chương trình được đơn vị đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và có chiều hướng phát triển tốt. Tuy nhiên, kết quả thực hiện hai chương trình còn một số hạn chế. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị cơ sở một số nơi chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện các chương trình, ngay cả trong lãnh đạo cũng còn băn khoăn, ngần ngại việc sử dụng, phát triển cán bộ chương trình. Công tác xét tuyển, số đăng ký tiếp nhận sinh viên chủ yếu tập trung vào những ngành quản lý văn hóa, quản lý giáo dục, môi trường, luật… trong khi sinh viên tham gia các ngành trên rất ít. Do vướng mắc trong khâu bố trí công tác nên việc xét tuyển ứng viên vào các chương trình ngày càng hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định hai chương trình là sự đột phá trong công tác tạo nguồn cán bộ trẻ của thành phố, về lâu dài là nguồn quan trọng, đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ. Ông cho rằng nhiều cán bộ từ hai chương trình trở thành cán bộ lãnh đạo quản lý là dấu hiệu tích cực, nhưng cán bộ chuyên gia giỏi thật sự chưa thể hiện được qua thành tựu, ứng dụng công trình nghiên cứu. Vì vậy, cần có khảo sát, đánh giá năng lực thông qua nhiệm vụ họ đang thể hiện; qua đó giúp TP nắm bắt nhu cầu từ cơ sở để quy hoạch cán bộ, thiết kế chương trình cho giảng viên hoặc đưa ra hướng đào tạo phù hợp để không gây lãng phí tiền bạc, thời gian vô ích, đồng thời loại bỏ sản phẩm tiêu cực của tư tưởng ỷ vào bằng cấp, vì không phải người có bằng cấp cao đều là nhân lực cao.
“Hằng năm có trên 90% cán bộ từ hai chương trình được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và có chiều hướng phát triển. Nếu đây là phản ánh trung thực thì rất đáng biểu dương. Nhưng chúng ta không thể tự bằng lòng và yên tâm với các con số. Chúng ta cần hiệu quả thực chất từ sản phẩm đào tạo”, ông Thăng nói.
“Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi” chủ yếu tuyển chọn sinh viên (đã tốt nghiệp không quá 1 năm), cán bộ, công chức, viên chức trẻ tuổi (đang công tác) có triển vọng phát triển tốt, tạo cơ hội rèn luyện qua thực tiễn để trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các tổ chức trong hệ thống chính trị thành phố. Còn “Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ” dùng tiền ngân sách để tuyển chọn, đào tạo các ứng viên là cán bộ công chức trẻ có triển vọng thuộc diện quy hoạch đào tạo của các đơn vị trong hệ thống chính trị TP, cán bộ chuyên trách Đoàn, Hội Sinh viên VN tại các trường ĐH, CĐ, TCCN...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.