Cần chú trọng kỹ năng nghe nói trong dạy học văn

12/11/2018 10:31 GMT+7

Khi nhắc đến 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, lẽ thường người ta nghĩ đó là đặc trưng của môn học ngoại ngữ. Nhưng thực ra 4 kỹ năng này rất cần thiết trong việc dạy học môn ngữ văn.

Người xưa dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở” là có ý nhắc nhở chúng ta quan tâm đến việc tập rèn nói năng, nếu không muốn bị chê là “ăn không nên đọi, nói không nên lời”.
Bấy lâu nay việc dạy học văn ở nhà trường phổ thông đang bị bất cân xứng về 4 kỹ năng này cho học sinh (HS). HS chủ yếu được rèn luyện nhiều ở mặt đọc và viết, còn kỹ năng nói rất hạn chế, đặc biệt là kỹ năng nghe thì dường như bị bỏ quên.

Nhưng kỹ năng đọc cũng có điều cần bàn. HS chủ yếu dừng lại ở việc đọc các văn bản giáo khoa (nghệ thuật, nghị luận, thông tin...), viết các bài kiểm tra đáp ứng mục đích thi cử (phân tích thơ, truyện, nghị luận xã hội...). HS ít được cọ xát với các văn bản khó đọc hơn, đa dạng hơn và cũng ít được làm quen tạo lập các văn bản có tính ứng dụng xã hội, như các văn bản giao tiếp hành chính, văn bản thuyết minh, văn bản sáng tác...
Các kỹ năng về “nghe” và “nói” của HS còn nhiều khiếm khuyết. HS chưa có năng lực biết lắng nghe để nhận thức, thấu hiểu mà ứng xử cho phù hợp. HS chưa quen với lắng nghe để cảm nhận theo cách nghệ thuật, ví dụ như âm điệu của một bài thơ, tiết tấu của một bản nhạc.
Bên cạnh đó, HS yếu về kỹ năng nói, thuyết trình và tranh luận. Cho nên, nhiều em trong lớp học ở trường thì thụ động, rụt rè; ra ngoài xã hội thì khép nép thu mình vì sợ nói, sợ sai. Việc học văn bị cho thiếu thực tiễn là vì thế.
Điều đáng nói là, trong chương trình THPT môn văn hiện hành có nhiều bài học hữu ích và thực tế nhằm phát huy kỹ năng nói cho HS, như bài phát biểu theo chủ đề, bài tự do phát biểu… Song do quá chú trọng về thi cử, điểm số và với tâm lý “thi gì thì dạy học nấy”, nên các bài học này bị xem thứ yếu, giáo viên và HS chỉ lướt qua theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Trong khi đó chưa thấy chương trình thiết kế có kỹ năng nghe cho HS. Đây là điểm thiếu sót rất lớn. Thiết nghĩ chương trình và sách giáo khoa mới sắp áp dụng tới đây cần phải bổ sung.
Rõ ràng là việc dạy học văn hiện nay còn “nợ” nhiều câu hỏi: Làm sao để phát huy toàn diện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho HS? Làm sao để kéo việc học văn về với ứng dụng thực tế? Làm sao để khi HS viết đúng một lá đơn xin phép, để sinh viên biết viết một bài nghiên cứu đúng quy cách?...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.