Cần ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm

16/08/2018 08:22 GMT+7

Kết quả một công trình nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy giáo dục bắt buộc 9 năm trở lên là xu hướng chung của thế giới, nhiều nước, kể cả những nước nghèo hơn VN cũng đã thực hiện được điều này.

Vì thế việc TP.HCM dự kiến sẽ miễn học phí THCS từ đầu năm 2019 là một bước đi cần thiết để áp dụng rộng rãi cho các tỉnh/thành khác và tiến tới thực hiện lộ trình giáo dục bắt buộc 9 năm.
Xu hướng chung của thế giới
Tất cả các nước châu Âu áp dụng giáo dục bắt buộc (GDBB) 9 năm trở lên từ đầu thế kỷ 20. Trong đó, nhiều nước như Anh, Ba Lan, Hà Lan, Pháp... thực hiện GDBB 12 năm (hay đến 18 tuổi). Mỹ thực hiện GDBB 9 năm trở lên ở tất cả các bang, trong đó nhiều bang đã thực hiện miễn học phí hoàn toàn cho đến cấp THPT. Nhật Bản là nước châu Á áp dụng sớm nhất, từ những năm 1870 đối với tiểu học và luật Giáo dục cơ bản năm 1947 của nước này quy định GDBB 9 năm.

Hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa trước đây thực hiện GDBB 9 năm trở lên, trong đó Cuba và Triều Tiên dù còn khó khăn hơn VN nhưng đã thực hiện được GDBB 12 năm. Năm 1986 (8 năm sau đổi mới), Trung Quốc đã ban hành luật GDBB 9 năm, trong luật này Trung Quốc quy định miễn phí THCS và các doanh nghiệp không được thuê lao động có trình độ chưa hết bậc học này. Tuy nhiên, với hơn 1,3 tỉ dân, Trung Quốc không phải thực hiện miễn phí THCS ngay một lúc mà từng bước, nơi thuận lợi làm trước, nơi khó khăn làm sau. Trong quá trình đó, Trung Quốc đã thành lập quỹ hỗ trợ GDBB 9 năm cho các vùng khó. Nhờ vậy, đến năm 2006, nước này thực hiện miễn phí THCS 100% trên phạm vi toàn quốc.
Ở Đông Nam Á, Singapore và Philippines áp dụng GDBB 10 năm; Indonesia, Thái Lan và Campuchia 9 năm, Malaysia 6 năm. Trong đó, Indonesia đang triển khai thí điểm 12 năm tại thủ đô Jakarta. VN, sau hơn 30 năm đổi mới mà vẫn chưa ban hành luật GDBB là quá chậm so với thế giới.
Tiến tới ban hành luật GDBB
Để triển khai GDBB 9 năm, khó khăn lớn nhất là về tài chính. VN có tỷ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP là 6,3% (đứng thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan là 7,6%), chi cho giáo dục trong tổng chi ngân sách đạt 20%. Vì vậy, ngân sách T.Ư khó tăng thêm để thực hiện GDBB. Theo tính toán, cả nước 1 năm thu học phí THCS khoảng 2.000 tỉ đồng, nếu chia cho 63 tỉnh thành là không lớn.
Vì vậy, một số tỉnh, TP thu ngân sách lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam... nên thực hiện miễn phí THCS ngay từ năm học 2018 - 2019. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thành lập Quỹ hỗ trợ GDBB 9 năm để hỗ trợ các tỉnh khó khăn. Quỹ này do các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp. Đồng thời, để tiết kiệm ngân sách chi cho giáo dục, các địa phương cần phải sáp nhập một số trường quy mô nhỏ trên cùng một địa bàn thành trường lớn hoặc trường đa cấp để giảm đầu mối, giảm biên chế cán bộ quản lý và nhân viên.
Sau đó Chính phủ cho phép mở rộng, đến lúc đủ điều kiện thì trình Quốc hội sửa đổi luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991 thành luật Phổ cập giáo dục THCS và trong luật Giáo dục sửa đổi sắp tới quy định GDBB 9 năm, miễn học phí cấp THCS đối với các trường công lập. Đồng thời thực hiện hỗ trợ khoản đúng bằng học phí trường công lập đối với học sinh ở các trường tư thục.
Giáo dục bắt buộc khác giáo dục phổ cập
Hầu hết các nước chia giáo dục phổ thông ra làm 2 giai đoạn: giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp (THPT). Giai đoạn giáo dục cơ bản là GDBB và quy định chung trong luật Giáo dục hoặc quy định thành luật riêng.
GDBB khác với giáo dục phổ cập mà nước ta đang áp dụng hiện nay, đó là, GDBB quy định mọi người dân trong độ tuổi bắt buộc có quyền và nghĩa vụ đi học. Bản thân học sinh và gia đình nếu có điều kiện mà không đi học là vi phạm luật, sẽ bị phạt tiền hoặc thậm chí có thể bị phạt tù. Trong trường hợp người dân không có đủ điều kiện để đi học thì nhà nước hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ để người dân đó được đi học, ít nhất đạt trình độ GDBB.
Còn giáo dục phổ cập mang tính vận động, không dùng các biện pháp cưỡng bức, trong trường hợp học sinh/cha mẹ không cho đi học vẫn không bị xử phạt mà chỉ vận động học sinh đó trở lại trường. Vì vậy, mà hiện nay, nước ta tất cả các tỉnh thành đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS nhưng vẫn còn một tỷ lệ khá cao người dân từ 15 tuổi trở lên chưa tốt nghiệp tiểu học.
Nâng cao trình độ tối thiểu cho người dân không phải vì thành tích của một địa phương hay quốc gia đạt phổ cập bậc này hay bậc khác, mà quan trọng hơn là giúp mỗi người dân nâng cao trình độ học vấn của mình, từ đó theo học một hoặc vài ngành nghề, giúp họ tìm việc làm, nuôi sống bản thân, gia đình và cao hơn là đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Đây chính là ý nghĩa sâu xa, rất nhân văn mà GDBB và miễn học phí hướng tới, và chắc chắn sẽ tạo ra một tư duy mới, một suy nghĩ mới: đi học là quyền lợi, là nghĩa vụ để phát triển bản thân, phát triển cộng đồng và quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.