Cấm dạy học ngoài sách giáo khoa: Kìm hãm sự sáng tạo, thiệt thòi cho học sinh

17/10/2017 13:54 GMT+7

Việc văn bản chỉ đạo của Bộ GD- ĐT yêu cầu giáo viên tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa (SGK) khiến cán bộ quản lý, giáo viên 'lắc đầu' khó hiểu.

Chuyên viên của Sở GD- ĐT TP.HCM chỉ ra rằng, vào khoảng năm 2010, Bộ GD-ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình trong đó khẳng định không bắt buộc giáo viên phải dạy theo SGK mà phải đảm bảo theo đúng chuẩn kiến thức kỹ năng. SGK là tài liệu tham khảo chính thức. Tức là giáo viên phải dạy làm sao để học sinh đạt được những chuẩn kiến thức kỹ năng mà Bộ quy định nên có thể có phương pháp giảng dạy, cách dẫn dắt, các ví dụ minh họa khác SGK để làm sao có hiệu quả nhất. Do đó việc kiểm tra đánh giá căn cứ theo chuẩn kiến thức kỹ năng chứ không nhất thiết phải bám SGK. Kiểm tra, thi cử là đánh giá việc học sinh hiểu, vận dụng chứ không đánh giá kiểu học máy móc, học tủ. Không chỉ có vậy, cả xã hội đang đòi hỏi việc đổi mới giáo dục thì chính Bộ GD-ĐT lại ban hành văn bản quy định như trên, quá khó hiểu!

Cô Huỳnh Lê Ý Nhi (giáo viên tại quận Tân Phú, TP.HCM) bày tỏ quan điểm, văn bản có tên là hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh mà trong nội dung lại cấm giáo viên dạy ngoài SGK, e rằng có sự mâu thuẫn. Hiện tại văn bản chưa về đến trường và giáo viên chưa được chỉ đạo thực hiện mà chúng tôi chỉ tiếp cận qua các phương tiện truyền thông. Vì vậy nếu thực sự triển khai thì có thể coi quy định này của Bộ kìm hãm sự sáng tạo của giáo viên và sự đóng khung kiến thức sẽ khiến học sinh bị thiệt thòi.

Bà Ý Nhi nói thêm, việc đi học, mở rộng kiến thức là nhu cầu của tất cả mọi người chứ không riêng gì đối với học sinh. Chữ “tuyệt đối” sẽ gây ức chế cho giáo viên, không khuyến khích người dạy nâng cao kiến thức để truyền đạt sao cho phù hợp với năng lực, trình độ của từng cá thể học sinh.

tin liên quan

Không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, vừa ký văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Cũng trong tâm trạng khó hiểu trước văn bản quy định của Bộ GD-ĐT, ông Phạm phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay tính đến thời điểm này, các trường đã thực hiện được 1/2 học kỳ và kế hoạch giảng dạy thì được xây dựng từ tháng 8. Do vậy văn bản ban hành vào lúc này là sai thời điểm.

Ngoài ra, bộ dùng từ “tuyệt đối” thể hiện sự cứng nhắc, SGK là tài liệu còn chương trình mới là pháp lệnh. Nếu thực hiện kiểu như này thì sẽ không đổi mới giáo dục, không hướng học sinh đến việc vận dụng kiến thức mà khiến giáo viên và học sinh lại trở về lối dạy và học theo kiểu hàn lâm. Bên cạnh đó phải kể đến thực trạng SGK hiện hành còn nhiều lạc hậu, giáo viên phải cập nhật kiến thức mới để đảm bảo cho việc giảng dạy của mình phù hợp với xu hướng đổi mới và công tác thi cử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.