'Cái tát' vào bệnh thành tích: Không đua theo sẽ bị xem là cá biệt!

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
28/11/2018 08:34 GMT+7

Bệnh thành tích đã cho 'ra đời' những câu chuyện đầy xót xa. Phụ huynh xin cho học lại cũng không được vì ảnh hưởng thi đua của trường; lớp, trường, giáo viên nào không chạy theo guồng máy ấy bị xem là cá biệt.

[VIDEO] Học sinh bị cô giáo và bạn học tát 231 cái: Lời những người trong cuộc
Không dám bỏ “trường đua”
Không áp đặt chỉ tiêu thi đua
Theo lãnh đạo Vụ Công tác thi đua, khen thưởng (Bộ GD-ĐT), Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục ban hành trong tháng 6.2018 thay thế thông tư trước đây đã có nhiều thay đổi nhằm giảm bệnh thành tích trong thi đua, khen thưởng. Cụ thể, thông tư này nêu rõ: không áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định. 
Bà Phạm Thị Kim Anh, Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: Sự quá tải trong lao động nghề nghiệp, đặc biệt là cung cách quản lý, tạo ra nhiều sức ép, cộng với bệnh thành tích như một “trường đua” đã khiến nhiều giáo viên (GV) vô cùng mệt mỏi.
Theo bà Kim Anh, áp lực từ bệnh thành tích đã trở thành nỗi sợ và nỗi ám ảnh của đại đa số GV hiện nay. GV nào không chạy theo guồng máy thành tích thì bị coi là GV cá biệt, có biểu hiện chống đối.
Cả hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay tựa như một trường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiệu gắn liền với cá nhân, với tập thể. Vì thế, GV phải chạy theo thành tích, dù vẫn biết bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, thậm chí phải đồng lõa với cái xấu trong nghề làm thầy.
Bà Kim Anh chia sẻ: Dù biết vậy nhưng không GV nào dám bỏ “trường đua” đó, cũng không thấy GV nào có đủ “dũng cảm” để đánh giá kết quả học tập của học sinh (HS) một cách trung thực với những điểm số thực chất. “Thế nên mới có những câu chuyện đầy xót xa như phụ huynh xin cho con đúp cũng không được. Đó là chưa kể GV phải phấn đấu đạt các tiêu chí thi đua khác như: GV dạy giỏi các cấp, GV giỏi việc trường, đảm việc nhà, chiến sĩ thi đua các cấp… Đây chính là hệ quả tất yếu của cách quản lý giáo dục kiểu thi đua khen thưởng”, bà Kim Anh nói.
Nhà trường tự thay đổi được không ?
Đừng sử dụng HS làm “sao đỏ” bắt lỗi HS khác
Theo nghiên cứu sinh, dịch giả Nguyễn Quốc Vương, ngoài chuyện nên tính toán bỏ việc đánh giá hạnh kiểm HS, trường học còn cần phải bỏ đi những sinh hoạt sau đây: sử dụng HS làm “sao đỏ” để bắt lỗi các HS khác và chấm điểm thi đua lẫn nhau, xếp hạng thi đua thứ tự HS trong lớp và theo khối, nhận xét công khai về HS trước các phụ huynh khác hoặc HS khác trong các buổi sinh hoạt tập thể, sử dụng “giám thị” để kiểm tra, giám sát việc HS thực hiện nội quy.
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng việc chạy theo thành tích, theo điểm số sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy của giáo dục.
Sẽ có tỷ lệ đẹp về GV dạy giỏi, HS giỏi nhưng lại không thấy sự hứng thú và hạnh phúc trong học tập của HS.
“Ở trường chúng tôi, chỉ tiêu phấn đấu của mỗi thầy cô giáo, mỗi lớp học, của nhà trường luôn là sự chuyển biến, tiến bộ của HS về những giá trị tinh thần và kỹ năng sống… Không chạy theo thành tích nhưng mỗi học trò đều phải đạt được kết quả trong rèn luyện và học tập tương xứng với năng lực thực chất”, ông Hòa nói.
Hiệu trưởng một trường phổ thông tư thục nổi tiếng ở Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho hay: “Hoạt động gần 30 năm qua nhưng tôi luôn từ chối tất cả các phong trào thi đua hoặc làm hồ sơ, “lập thành tích” để được nhận bằng khen, được cấp giấy công nhận nọ kia…, tôi cũng không biết trường mình được “xếp loại” gì. Tôi muốn mọi người hỏi GV của chúng tôi thu nhập có tốt không, có sống được bằng nghề không, có được đánh giá đúng thực chất, công bằng không, HS đi học có thấy vui, thấy được tôn trọng không”.
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, GV Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Hà Nội), cho hay từ khoảng 4 năm trở lại đây, ban giám hiệu trường quản lý và đánh giá chất lượng GV không thông qua kiểm tra hồ sơ và dự giờ mà giao nhiệm vụ cho GV, tăng cường quyền chủ động cho GV nhưng vẫn hoàn toàn đánh giá chính xác năng lực và kiểm soát được chất lượng giáo dục bằng nhiều kênh thông tin khác nhau.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), nhà trường tự xây dựng các phiếu đánh giá riêng với các tiêu chí đã được thống nhất. Việc đánh giá GV không phải qua các cuộc thi mà có nhiều biện pháp khác nhau.
Tuy nhiên, những nỗ lực đơn lẻ của từng trường thời gian vừa qua chưa khiến bức tranh toàn cảnh về chống bệnh thành tích trong giáo dục trở nên sáng sủa hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.