Các trường đại học xét tuyển bài thi đánh giá năng lực ra sao?

Hà Ánh
Hà Ánh
22/03/2021 07:17 GMT+7

Nhiều thí sinh ở Bà Rịa-Vũng Tàu băn khoăn về kỳ thi THPT và xét tuyển đại học đã được giải đáp trong chương trình Tư vấn mùa thi tổ chức hôm qua (21.3).

Chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức, được trực tuyến trên các kênh của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.

Xét bao nhiêu chỉ tiêu, có xét tuyển đợt 2 ?

Tham gia chương trình, nhiều học sinh (HS) đặt câu hỏi về kỳ thi và cách xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM tổ chức, diễn ra vào sáng 28.3 tới. Đợt 1 kỳ thi này thu hút gần 70.000 thí sinh và dự kiến được 70 trường ĐH sử dụng để xét tuyển một phần chỉ tiêu.
Liên quan đến kỳ thi năng lực, nhiều trường ĐH công bố thông tin nhận hồ sơ xét tuyển theo cách thức khác nhau. Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết trường sẽ xét đồng thời dựa vào 2 tiêu chuẩn: đạt từ 700/1.200 điểm trở lên, có kết quả học tập 3 học kỳ (học kỳ 1 và 2 năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt từ 6,5 điểm trở lên. Ông Vũ cho biết trường chỉ sử dụng kết quả thi đợt 1 của kỳ thi này năm nay.
Thạc sĩ Trần Thị Mộng Loan, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng xét điểm kỳ thi này. Trường dự kiến nhận hồ sơ vào đầu tháng 4 với mức điểm từ 650 trở lên. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Markting, cũng xét 15% chỉ tiêu kỳ thi này và bắt đầu nhận hồ sơ đầu tháng 4. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này. Trong khi đó, Trường ĐH Việt Đức tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng vào tháng 5, thí sinh đăng ký trực tuyến trên hệ thống của trường.

Lưu ý gì khi đăng ký chuyên ngành ?

Một HS Trường THPT Nguyễn Trãi (H.Châu Đức) băn khoăn về việc chọn ngành và chuyên ngành khi hỏi: “Có người khuyên em không nên chọn học chuyên ngành. Lời khuyên này có đúng không?”.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thông tin theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ được đăng ký xét tuyển vào ngành, không được đăng ký trực tiếp vào chuyên ngành (khi đã trúng tuyển, các trường sẽ hướng dẫn cách thức đăng ký chuyên ngành).
Thạc sĩ Tư lưu ý thêm cho HS: “Bằng cấp sau khi tốt nghiệp, sinh viên nhận được chỉ ghi tên ngành học, còn tên chuyên ngành cụ thể được ghi trong bảng điểm. Ví dụ, ngành khoa học máy tính của trường có 6 chuyên ngành, khi chọn chuyên ngành kỹ thuật phần mềm thì ra trường nhận bằng ĐH khoa học máy tính và bảng điểm ghi chuyên ngành kỹ thuật phần mềm. Thí sinh chú ý tránh tình trạng nhầm lẫn giữa ngành và chuyên ngành khi làm hồ sơ dự thi”.
Tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, bổ sung các trường ĐH sẽ có lộ trình đào tạo kiến thức khác nhau qua từng năm. Phần chuyên ngành chủ yếu được các trường tập trung đào tạo ở năm cuối cùng, các năm trước đó gồm kiến thức đại cương và cơ sở ngành. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho người học khi ra trường có thể thích ứng nhiều vị trí công việc khác nhau trong cùng lĩnh vực, thay vì chỉ có thể đáp ứng từng việc cụ thể. Do vậy, thí sinh không nên quá lo lắng khi lựa chọn giữa ngành và chuyên ngành.
Chương trình Tư vấn mùa thi năm nay được sự tài trợ của Vingroup, Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam (VWS). Cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ tổ chức gồm: Vietravel, Công ty CP xây dựng DIC Holdings và Trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa-Vũng Tàu). Trong chương trình, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đã trao 5 suất học bổng và Công ty TNHH Cali Green Park trao 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) cho học sinh vượt khó, học giỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.