Cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm: Dừng đào tạo giáo viên trong trường TC và CĐ đa ngành

Hà Ánh
Hà Ánh
27/05/2019 16:47 GMT+7

Dừng đào tạo giáo viên ở trường trung cấp (TC) và cao đẳng (CĐ) đa ngành, cả nước sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt từ nay đến năm 2025...

Không còn đào tạo giáo viên bậc TC

Việt Nam sẽ chỉ còn 6 - 8 trường sư phạm chủ chốt là nội dung trong đề xuất của nhóm nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2035 phục vụ đề án sắp xếp lại các trường sư phạm mà Bộ GD-ĐT đang xây dựng.

Đề án này đang được Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Cụ thể, về số lượng, đề án đặt ra mục tiêu tới năm 2025 hình thành một mạng lưới các trường sư phạm gồm từ 6 - 8 trường chủ chốt. Trong 5 năm tiếp theo (tới năm 2030), tiến hành sắp xếp tổ chức để hệ thống có 3 trường sư phạm trọng điểm (1 trường ở miền Bắc, 1 miền Trung và 1 miền Nam) phát triển theo mô hình ĐH. Bên cạnh đó, sẽ có 3 - 5 trường sư phạm chủ chốt.

Các cơ sở đào tạo giáo viên khác sẽ được tổ chức, sắp xếp để chuyển thành vệ tinh của các trường sư phạm trọng điểm và chủ chốt nói trên. Đề án cũng đặt mục tiêu giải thể các trường TC sư phạm và không tổ chức đào tạo giáo viên ở các trường TC chuyên nghiệp khác. Các trường CĐ đa ngành có chương trình đào tạo giáo viên xây dựng lộ trình giảm chỉ tiêu và chấm dứt đào tạo các ngành này trước năm 2025.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Trước những đề xuất trong đề án trên, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự tán đồng. PGS-TS Ngô Minh Oanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), bày tỏ sự ủng hộ với chủ trương này.

Ông Oanh nói: “Việc quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên như hiện nay đã và đang dẫn tới tình trạng 'cung' vượt 'cầu', gây lãng phí cho cả người học và xã hội vì nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Chưa nói, khi quá nhiều trường cùng đào tạo còn dẫn đến tình trạng cạnh tranh, thậm chí không lành mạnh”.

Vì vậy, theo ông Oanh, việc quy hoạch này sẽ giúp các trường sư phạm được đầu tư tập trung hơn không chỉ về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất mà còn cả việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp hơn với tình hình mới. Khi đó chất lượng người học và chính sách đầu ra cho sinh viên sẽ được nâng lên.

“Không chỉ đầu tư cho các trường sư phạm mà kèm theo đó còn là chính sách ưu đãi cho sinh viên sư phạm. Ở đây, ưu đãi có thể là giảm học phí hoặc không nhưng cần gắn với đầu ra. Sinh viên cần tự tin vì có cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường”, ông Oanh nói.

Tuy nhiên theo ông Oanh, việc quy hoạch này cần thực hiện theo lộ trình giảm dần phù hợp vì nếu giảm đột ngột sẽ rất khó cho các trường vì còn liên quan đến đội ngũ nhân lực.

Chỉ nên đào tạo giáo viên ở trường chuyên biệt

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết rất đồng tình với quan điểm giảm bớt số lượng và tăng chất lượng của các trường sư phạm.

Theo ông Sơn, các trường sư phạm cần được đầu tư lớn để ngoài việc đào tạo thì cần tăng cường công tác nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, cách thức tổ chức hoạt động giáo dục, chương trình giáo dục... Việc tập trung nguồn lực mới có thể làm được các việc trên.

Thạc sĩ Sơn nhấn mạnh: “Việc đào tạo sư phạm cần tập trung vào các trường chuyên biệt chứ không nên dàn trải ra các trường đào tạo đa ngành. Một trong các lý do ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bậc mầm non, tiểu học hiện nay đó chính là sự bùng nổ của các trường đào tạo đa ngành được cấp phép đào tạo giáo viên thời gian qua”.

Nhưng theo ông Sơn, đồng thời với sự sắp xếp lại hệ thống thì cần đồng bộ với các chính sách về thu nhập, chính sách về phát triển chương trình…

“Đề án này cần được triển khai sớm và cần có sự quyết liệt trong việc sắp xếp để tránh tình trạng làm không làm đến nơi”, ông Sơn đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.