Buông lỏng quản lý trường ĐH, CĐ ngoài công lập

08/05/2014 15:55 GMT+7

(TNO) Theo quy định của Chính phủ ban hành năm 2010, các địa phương quản lý trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL). Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý các trường trong hệ thống này dường như bị bỏ ngỏ.

(TNO) Theo quy định của Chính phủ ban hành năm 2010, các địa phương quản lý trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL). Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý các trường trong hệ thống này dường như bị bỏ ngỏ.

 Được cấp đất xây dựng ở Bắc Ninh nhưng trường ĐH Quốc tế Bắc Hà chưa triển khai xây dựng mà đi thuê trụ sở ở Hà nội để tuyển sinh sai quy định - Ảnh: Ngọc Thắng
Được cấp đất xây dựng ở Bắc Ninh nhưng Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà chưa triển khai xây dựng mà đi thuê trụ sở ở Hà nội để tuyển sinh sai quy định - Ảnh: Ngọc Thắng

Hàng loạt sai phạm

Như Thanh Niên Online đã phản ảnh, hiện nay các  trường như: ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị (Hà Nội), ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam)… không có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý theo quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT.

Theo Quyết định 64 của Chính phủ về điều kiện và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường ĐH, học viện thì những trường vi phạm quy định này sẽ bị đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay những trường này vẫn được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh bình thường.

Hiện có tình trạng các trường ĐH thành lập văn phòng đại diện để đào tạo và tuyển sinh trái quy định. Theo điều lệ trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2010 thì các trường ĐH được thành lập văn phòng đại diện nhưng chỉ là một đơn vị phụ thuộc của trường ĐH, thực hiện các giao dịch phục vụ cho hoạt động của nhà trường; không được tuyển sinh, tổ chức hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH có trụ sở chính ở địa phương khác nhưng vẫn tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại địa điểm thuê mướn ở Hà Nội như trường ĐH Quốc tế Bắc Hà (có trụ sở chính ở tỉnh Bắc Ninh), Trường ĐH Trưng Vương (trụ sở chính ở tỉnh Vĩnh Phúc)…

Chậm xử lý!

Đáng lưu ý là có những sai phạm ở các trường này đã được kiểm tra và đề nghị xử lý nhưng vẫn chưa bị xử lý. Chẳng hạn, năm 2013, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở đào tạo trên địa bàn Hà Nội, phát hiện nhiều sai phạm.

Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà thành lập và đăng ký trụ sở chính tại tỉnh Bắc Ninh nhưng hiện vẫn tổ chức tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội. Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị vi phạm nghiêm trọng quy chế tuyển sinh, không có trường học, không có hiệu trưởng… Khi đó, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở GD-ĐT chủ trì đã có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT cho dừng hoạt động 2 trường ĐH này.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Hữu Niềm, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Đoàn kiểm tra liên ngành đã có văn bản kiến nghị về việc dừng hoạt động của 2 trường  nhưng việc UBND có báo cáo với Bộ GD-ĐT hay không thì không biết”.

Mới đây Bộ còn nhận được đề nghị của Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà được thành lập phân hiệu ở Hà Nội trong khi trường này không hề đủ điều kiện. Theo quy định, việc thành lập phân hiệu của trường ĐH cũng phải đáp ứng các điều kiện giống như thành lập trường ĐH. Chẳng hạn phải có đề án thành lập, diện tích đất xây trường tối thiểu là 5 ha, có đội ngũ giảng viên cơ hữu… Trong khi đó, Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà chưa hề được cấp đất xây dựng tại Hà Nội, cơ sở mà trường đang triển khai hoạt động đào tạo chỉ là cơ sở đi thuê.

Lý giải vì sao Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà đã không bị xử lý như kiến nghị lại còn được đề nghị thành lập phân hiệu tại Hà Nội, ông Niềm cho biết: “Trường này có văn bản đề nghị xin hoạt động tạm thời tại Hà Nội vì đang xây dựng cơ sở ở Bắc Ninh. Tuy nhiên trong các văn bản hiện hành thì không có quy định nào cho phép như vậy, nên Sở đã có đề nghị gửi UBND TP.Hà Nội kiến nghị với Bộ hướng dẫn và cho phép trường thành lập phân hiệu tại Hà Nội”.

Trách nhiệm của ai?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên về sai phạm của các trường nhưng chưa bị xử lý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Hiện các trường ĐH NCL được phân cấp cho địa phương quản lý. Vì vậy, nếu phát hiện sai phạm thì địa phương phải kiểm tra và có đề xuất với Bộ GD-ĐT thì Bộ mới xử lý”.

Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy việc quản lý các trường ĐH NCL ở các địa phương hiện rất lỏng lẻo. Mặc dù những sai phạm của những trường như Trường ĐH Chu Văn An (Hưng Yên), ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) diễn ra từ lâu và đủ điều kiện bị đề nghị đình chỉ hoạt động nhưng chính quyền những tỉnh này vẫn làm ngơ. 

Nghị định 115 của Chính phủ phân cấp quản lý về giáo dục thì UBND các địa phương có trách nhiệm quản lý về mặt hành chính đối với các trường NCL nhưng việc quản lý về chất lượng đào tạo và các điều kiện hoạt động vẫn thuộc thẩm quyền của Bộ GD-ĐT. Quyết định 64 của Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ GD-ĐT là cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo với những trường có đủ điều kiện và cũng là cơ quan được phép đình chỉ hoạt động. Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cũng đã quy định rõ về các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Vậy khi các trường ĐH NCL không đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng mà vẫn được hoạt động và tuyển sinh thì Bộ GD-ĐT cũng cần phải xem lại trách nhiệm của mình.

Vũ Thơ

>> Chuyện khó tin ở trường đại học tư
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 2: Thầy cô đấu nhau, sinh viên lãnh đủ
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 3: Hai lần kiện hiệu trưởng ra tòa
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - kỳ 4: Trường không có hiệu trưởng
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 5: Gạt bỏ giảng viên, chỉ quan tâm nhà đầu tư
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 6: Sự bất đồng thường trực
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 7: Vì lợi nhuận nhưng nói không
>> Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 8 : Kẽ hở từ luật định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.