Bối rối trước đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy: Sẽ làm được nếu chịu 'cởi trói'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
14/08/2018 08:25 GMT+7

Mong muốn được nghỉ dạy và học ngày thứ bảy hết sức chính đáng nhưng không phải trường nào và ở đâu cũng thực hiện được. Vậy làm thế nào để thực hiện được điều này trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu và chương trình học vẫn nặng?

Tại Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa) từ lâu nay đã “nói không” với việc học chính khóa vào thứ bảy. Học sinh (HS) của tất cả các lớp đều được học 2 buổi/ngày và thứ bảy, chủ nhật nếu có chỉ dành cho các hoạt động thể chất, ngoại khóa tự chọn theo sở thích của HS. Bởi vậy, HS dù được "chơi dài" hai ngày cuối tuần nhưng hiệu quả học tập vẫn rất cao. Tuy nhiên, với những trường không thể sắp xếp để HS học 2 buổi/ngày thì phải giải quyết thế nào?
Giảng dạy theo hướng đổi mới
Trường THPT Yên Hòa dù là trường công lập, chưa tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày hoàn toàn nhưng vài năm gần đây đã tìm mọi cách để HS không phải đến trường học ngày thứ bảy. Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng, chia sẻ: “Yêu cầu đặt ra đầu tiên là trường phải có dư một số phòng học nhất định đủ để ít nhất có 2 ngày trong tuần HS sẽ được học 2 buổi, bởi nguyên tắc khi thực hiện điều này thì tổng thời lượng dạy học theo quy định của Bộ là không đổi, không được cắt xén chương trình”.

Tuy nhiên, theo bà Nhiếp, để làm được như vậy, yếu tố quan trọng không kém là hằng năm trường phải xây dựng một kế hoạch dạy học rất chi tiết dựa vào chương trình khung của Bộ. Bên cạnh đó, phải “bám” vào để thực hiện theo những văn bản hướng dẫn mang tính “cởi trói” của Bộ GD-ĐT để xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng đổi mới của nhà trường...
Việc xây dựng kế hoạch dạy này theo bà Nhiếp sẽ dựa trên cơ sở kế hoạch dạy học của từng lớp gửi lên, hội đồng giáo dục của nhà trường ngồi sắp xếp cân đối lại để tránh sự chồng chéo. Năm nào Bộ GD-ĐT cũng có văn bản hướng dẫn, khuyến khích các trường nên cho các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở chương trình khung, phần kiến thức nào thừa hoặc lạc hậu cắt bỏ đi, cập nhật kiến thức mới; những nội dung trùng lặp giữa các bộ môn thì hiệu trưởng sẽ quyết định chỉ dạy nội dung đó một môn; những nội dung tương đương nhau ở nhiều môn thì gom lại thành một chuyên đề liên môn... Làm như vậy tránh việc HS phải học lại ở môn khác, vừa nhàm chán, vừa tận dụng được thời gian, nhân lực để đưa các hoạt động ngoại khóa vào và giúp giáo viên, HS không phải dạy - học cả ngày nghỉ.
Tăng cường dạy học tự chọn
Khi góp ý xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng trong khi xu thế hiện nay là HS học giảm tải và giảm bớt giờ làm của công chức vậy mà dự thảo chương trình mới chỉ quan tâm tới việc học môn gì và chưa quan tâm đến những vấn đề liên quan kéo theo nó nên khi triển khai chắc chắn sẽ bị vướng. Ví dụ, dự thảo quy định HS bậc THCS học gần 30 tiết/tuần trong khi hiện tại bậc học này chỉ học 1 buổi/ngày, như vậy HS sẽ phải học 6 ngày/tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc thứ bảy HS sẽ phải đi học...
Ông Lê Trường Tùng cũng đề nghị cần tăng cường dạy học tự chọn để vừa giải quyết việc HS phải học quá nhiều môn vừa phát huy được năng lực của người học, lại giảm thời gian học tập quá nhiều như hiện nay.
Còn tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm đến giáo dục, cho rằng chương trình cần xây dựng theo hướng mở hơn nữa để trao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và địa phương, giúp họ xây dựng kế hoạch cũng như nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương mình.
Lịch học cuối tuần chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội
Đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ: Hiện nay, thời gian học tập của HS phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm học, số tiết/tuần; tùy theo điều kiện của từng địa phương, cơ sở để sắp xếp các ngày học trong tuần bảo đảm tổng số tiết học theo quy định. Tuy nhiên, việc sắp xếp lịch học vào thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.