Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về hiện tượng 'mưa điểm 10'

11/08/2017 16:36 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết giáo dục đại học năm học 2016 - 2017 sáng nay (11.8), Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã lý giải về hiện tượng 'mưa điểm 10' và điểm chuẩn ngành sư phạm thấp.

Hội nghị nhằm tổng kết năm học 2016 - 2017 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu ở 3 đầu cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã nêu lên hàng loạt vấn đề "nóng" liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.
Ông Nhạ cho rằng khi nói đến các vấn đề "nóng", cần giữ thái độ bình tĩnh để suy xét. Theo ông Nhạ, xét ý kiến của từng cá nhân thì có thể có nhiều ý đúng nhưng xét về tổng thể thì cần phải phân tích, lựa chọn để có thông tin chính xác. Ông Nhạ đặt vấn đề bằng cách nêu ví dụ: báo chí đưa tin cụm từ “mưa điểm 10” liệu có chính xác khi phản ánh hiện tượng kỳ thi THPT quốc gia 2017 có nhiều điểm 10?
Theo ông Nhạ, phương thức thi trắc nghiệm khách quan nhìn một cách tổng thể thì chúng ta được nhiều hơn. Nếu như năm 2016, điểm 10 thường rơi vào trường hợp rất giỏi hoặc học tủ thì năm nay có thay đổi một chút. Bởi lẽ, đề thi trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức trải rộng, tạo cơ hội cho nhiều học sinh có cơ hội được điểm cao. Hơn nữa, năm nay, nội dung thi chỉ tập trung trong chương trình lớp 12, trong quá trình học tập, học sinh có 3 lần được làm quen với dạng thức đề thi, tạo thuận lợi cho thí sinh ôn tập. Tuy kết quả có nhiều điểm tuyệt đối hơn nhưng theo số liệu thống kê, điểm 9 - 10 cũng chỉ chiếm 3% trong phổ điểm cả nước.
Ông Nhạ nói cho rằng, cái được lớn nhất của chúng ta là việc thay đổi hình thức thi đã cho kết quả rất minh bạch, khách quan, giảm tốn kém cho xã hội. Số điểm 9 - 10 tuy có nhiều hơn những năm trước nhưng mức điểm phổ biến vẫn nằm trong khoảng 4 - 6 điểm, chứ không hẳn là “mưa điểm 10” như dư luận bình luận.
Tuy nhiên, khi nhắc đến hiện tượng “30 điểm vẫn trượt”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng cần khắc phục, rút kinh nghiệm để đề thi có mức độ phân hóa rõ nét hơn.
Theo ông Nhạ, về hiện tượng ngành sư phạm có điểm đầu vào ở mức thấp, dư luận nên nhìn nhận toàn diện và thấu đáo. Không phải ngành sư phạm nào của trường nào năm nay cũng có đầu vào quá thấp. Có những phân ngành điểm trúng tuyển vẫn khá cao hoặc ở mức tương đối. Bên cạnh đó, qua theo dõi thực tế nhập học, đa số thí sinh nhập học có điểm thi cao hơn điểm trúng tuyển mà trường công bố.
Ông Nhạ cũng cho biết sắp tới Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết tâm xây dựng chuẩn trường sư phạm. Tới đây, sẽ quy hoạch theo hướng tập trung vào các trường đại học sư phạm lớn, dần dần có chính sách để đầu ra - đầu vào hợp lý với sự phối hợp với các bộ, ngành có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.