Một năm thật đặc biệt của ngành giáo dục

31/01/2021 07:20 GMT+7

Kết quả kiểm phiếu được công bố tối 30.1 cho thấy Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không có tên trong danh sách 200 Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII.

Năm 2020 là một năm thật đặc biệt của ngành giáo dục đó là chịu nhiều thách thức vì dịch bệnh Covid-19, bão lũ ở miền Trung... nhưng công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo cũng như thành tích trên đấu trường quốc tế… đã phần nào để lại dấu ấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện sự nỗ lực rất lớn.

Học trực tuyến trong dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành giáo dục đã có những nỗ lực và sáng tạo trong dạy và học. Kết quả của ngành GD-ĐT trong dạy học an toàn song song với phòng, chống dịch Covid-19 đã được đánh giá cao. Đây là lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc.
Theo Báo Nhân Dân ngày 17.1.2021, báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29.9.2020 nhận xét: “Việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cảm ơn những nỗ lực của thầy trò cả nước

Trong bài viết với tựa đề “Giáo dục - đào tạo: Tự chủ, đổi mới, sáng tạo” đăng trên ấn phẩm Xuân Thanh Niên của tác giả Quỳnh Anh có dẫn ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Năm học vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều kết quả tích cực. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD-ĐT, tôi trân trọng cảm ơn các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên trong toàn ngành đã cố gắng, chia sẻ khó khăn, cùng nhau nỗ lực chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”.

1 học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Qua gần 1 học kỳ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đã bước đầu thể hiện tính tích cực vào công tác dạy - học của các nhà trường, học sinh được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết. Cũng theo bài viết trên ấn phẩm Xuân Thanh Niên, Bộ GD-ĐT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai, bảo đảm chuẩn bị đồng bộ các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất...

Giáo dục đại học với tinh thần tự chủ cao

Tự chủ đại học được đẩy mạnh. Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng châu Á và thế giới.
Có 2 đại học quốc gia của Việt Nam trong năm 2020 cũng vào tốp 101 - 150 trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) với chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS. Trường đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng” (The Best “Golden Age” Universities).

Học sinh Việt Nam đạt nhiều thành tích quốc tế

Năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hầu hết các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Dù thay đổi cách thức thi do dịch bệnh nhưng năm 2020 học sinh Việt Nam vẫn đạt nhiều thành tích đáng nể trên đấu trường trí tuệ thi Olympic khu vực và quốc tế. 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt giải, trong đó có 9 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 5 huy chương đồng và 2 bằng khen.  
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ (sinh năm 1963)
Năm 1989: Giảng viên, Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm 1995-1996: Phó phòng Hành chính - Đối ngoại, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm 1997 - 2000: Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Năm 2003 - 2007: Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu kinh tế phát triển, Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Năm 2005 - 2007: Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Từ 5/2007 đến 9/2010: Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế phát triển, Trường ĐH Kinh tế (đến tháng 12/2007)
Năm 2007 - 1/2011: Hiệu trưởng, Bí thư Đảng ủy Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội.
Từ 9/2010 đến 7/2011: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (từ 10/2010); Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ 01/2011)
Từ 8/2011 đến 02/2013: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội; Phó Bí thư thường trực, Phó Giám đốc thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngày 5 tháng 2,2013 được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngày 09/9/2014 được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ngày 26/1/2016 tại Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương
Tháng 4 năm 2016, ông được Chủ tịch nước bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ngày 30/1/2021, theo kết quả được công bố, ông không được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được của năm 2020, thì trước đó (trong nhiệm kỳ) ngành giáo dục cũng có nhiều tai tiếng như để xảy ra vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia được cho là nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, hay như gần đây nhất là để sai sót lớn trong việc thẩm định sách giáo khoa lớp 1...
Trong kết quả kiểm phiếu bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII được công bố tối 30.1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không có tên trong danh sách 200 Ủy viên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.