Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần hướng dẫn để học sinh có kỹ năng tránh bạo lực, xâm hại

Lê Hiệp
Lê Hiệp
04/04/2019 13:31 GMT+7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cần tăng cường hướng dẫn cho học sinh về các biện pháp phòng tránh xâm hại và bạo lực học đường.

Trao đổi với báo chí bên hành lang hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng nay, 4.4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ này đã ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học được cho học sinh phổ thông, trong đó có nội dung tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại.
“Phải tăng cường hướng dẫn cho các cháu để phòng tránh bạo lực và xâm hại. Chẳng hạn như hướng dẫn để các cháu biết không nên vào thang máy một mình khi không có người lớn… ”, ông Nhạ nói và cho biết, tới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ chỉ đạo mạnh mẽ về vấn đề này.
Liên quan tới nạn bạo lực học đường trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chính sách hiện nay tương đối nhiều, quan trọng là làm thế nào để chính sách đi vào cuộc sống.
“Muốn vậy, người thực hiện và các nhà trường, địa phương phải đồng hành. Ngay cả báo chí cũng nên đưa những tấm gương tốt, cùng nhau lên án thói hư tật xấu”, ông Nhạ nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục cho biết thêm, muốn trẻ em phát triển thì cần phải có những tấm gương tốt để có ảnh hưởng tốt. “Nếu để xã hội xấu thì sẽ rất nguy hiểm đối với trẻ em như hiện tượng Khá "bảnh" vừa rồi”, ông Nhạ nói thêm.
Ông Nhạ cũng đồng tình cho rằng, những người nổi tiếng như cầu thủ bóng đá nên đến trường để chia sẻ, nêu gương tốt cho các học sinh thì tốt hơn là dùng hành chính để đe dọa.
“Giáo dục phải làm gốc, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế. Đối với các cháu tạm gọi là cá biệt cũng phải quan tâm để giáo dưỡng để các cháu biết được bạo lực học đường là không tốt, thậm chí gây như thế là pháp pháp, để làm sao nhắc nhở các cháu”, ông Nhạ cho hay.
Một đại biểu Quốc hội của TP. Hà Nội cũng cho rằng, giải phải để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong nhà trường như bạo lực hay xâm hại là phải tăng cường công tác tư vấn tâm lý học đường, tăng cường đội ngũ chuyên trách, tăng cường năng lực cho giáo viên nhất là giáo viên chủ nhiệm.
“Một số trường tôi đi khảo sát làm tốt có cán bộ chuyên trách làm rất tốt. Họ nhận diện ra những em bị dấu hiệu có khả năng tự kỷ hay biểu hiện bất thường. Từ đó có hướng xử lý, hỗ trợ”, đại biểu này nói.
“Muốn giải quyết thật tốt vấn đề này cần phải lấy người học làm trung tâm, không coi chỉ đến lớp để truyền thụ văn hoá mà phải đánh giá, quan tâm đến người học ở góc độ quyền con người của người học, kẻ cả tâm sinh lý”, đại biểu này nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.