Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 5 giải pháp khắc phục yếu kém về giáo dục

04/08/2016 12:18 GMT+7

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, một trong những bài học sâu sắc nhất đối với ngành GD-ĐT thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội .

Ngày mai, 5.8, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và chuẩn bị cho năm học mới. Trước sự kiện này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ về những việc sẽ làm trong năm học 2016 - 2017.
Theo ông Nhạ, cần giải quyết hài hòa bài toán giữa quy mô và chất lượng đào tạo. “Việc tăng quy mô giáo dục, nhất là giáo dục đại học, không tương xứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng là vấn đề có thể để lại hậu quả về kinh tế, xã hội trong thời gian dài, khó khắc phục, gây tốn kém, lãng phí và bức xúc xã hội, giảm lòng tin vào ngành giáo dục. Cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu của thị trường lao động để xác định quy mô đào tạo cho phù hợp hơn, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Nhạ chia sẻ.

tin liên quan

Xóa bộ chủ quản trường ĐH được không?
Làm việc với cán bộ giảng dạy Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 7.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tăng cường vai trò tự chủ và tiến tới các trường ĐH không còn trực thuộc bộ nào.
Đặc biệt, theo ông Nhạ, một trong những bài học sâu sắc nhất đối với ngành GD-ĐT thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội. “Chẳng hạn, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, chúng ta đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện của xã hội, của các nhà khoa học, giáo viên và học sinh để từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn, qua đó giúp cho kỳ thi năm nay diễn ra nhẹ nhàng hơn, thuận lợi hơn”, ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cho biết, năm học 2016 - 2017 ngành GD-ĐT sẽ thực hiện 5 giải pháp nhằm khắc phục những yếu kém. Trước hết là cải cách thể chế về GD-ĐT.
Thứ hai là nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, trong đó, triển khai điều chỉnh, sắp xếp lại bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan quản lý giáo dục, trước hết là cơ quan Bộ GD-ĐT, nhằm tinh gọn bộ máy, trên cơ sở đó sắp xếp nhân sự phù hợp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Thứ ba, là tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, trong đó, chú trọng các nguồn lực của xã hội và quốc tế để phát triển GD-ĐT, quan tâm đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách.
Thứ tư là tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dụcđẩy mạnh kiểm định chất lượng độc lập các cơ sở giáo dục, để có bức tranh tổng thể về năng lực thực sự của từng cơ sở và công khai kết quả kiểm định để xã hội đánh giá. Tiếp tục đổi mới công tác thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả nhưng đảm bảo công bằng, nghiêm túc.
Giải pháp thứ năm là đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, trong đó chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là thông tin về các gương người tốt, việc tốt trong ngành để xã hội có cái nhìn đầy đủ và chia sẻ. Xây dựng hệ thống truyền thông thông suốt từ các trường, sở đến bộ, để truyền tải thông tin đầy đủ, đa chiều về những đổi mới mà ngành đang thực hiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.