Bỏ quy định hình thức, làm khổ giáo viên

22/05/2019 07:49 GMT+7

Các chính sách đối với nhà giáo, từ tiêu chuẩn cho tới chuẩn trình độ quy định trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi tham gia thảo luận dự luật này ngày 21.5.

Quy định rõ lộ trình nâng chuẩn giáo viên

Đồng tình với quy định nâng chuẩn trình độ giáo viên (GV) trong dự thảo luật (từ trung cấp lên cao đẳng đối với mầm non, từ cao đẳng lên đại học đối với cấp tiểu học tới phổ thông trung học - PV), song đại biểu (ĐB) Triệu Thanh Dung (ĐB Quốc hội (QH) tỉnh Cao Bằng) đề nghị lộ trình nâng chuẩn đối với GV là từ khi luật có hiệu lực (2020) tới năm 2030, tức là trong vòng 10 năm.
Dẫn chứng thực tế tại Cao Bằng với 3.000 GV các cấp chưa đạt chuẩn, bà Dung cho biết cần có thời gian 2 - 4 năm để đào tạo nâng chuẩn cho các GV này. Ngoài ra, ngành giáo dục lại đang phải bồi dưỡng GV để đáp ứng cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông nên ngành đang gặp rất nhiều khó khăn. Cùng quan điểm, ĐB Đinh Duy Vượt (ĐBQH tỉnh Gia Lai) cho rằng cần tính toán lại tính khả thi và tác động tiêu cực của quy định này vì hiện nay hàng trăm ngàn GV không đạt chuẩn như quy định dự thảo. “Tôi đề nghị dự thảo luật cần tính toán kéo dài thời gian, thậm chí là 10 năm, để chuẩn hóa số lượng lớn GV này, đồng thời có quy định việc tuyển GV mới từ các năm học sau phải đạt chuẩn theo quy định”, ĐB Vượt đề xuất.
Đề cập trực tiếp tới vấn đề nâng chuẩn trình độ cao đẳng sư phạm đối với GV mầm non, ĐB Đặng Thị Phương Thảo (ĐBQH tỉnh Nam Định) băn khoăn với sự cần thiết cũng như cách thức tiến hành của quy định này. “Nâng được chuẩn trình độ đào tạo nhưng thực sự có nâng được chất lượng GV mầm non hay không?”, bà Thảo nêu vấn đề và cho rằng học trung cấp hay cao đẳng không quan trọng mà quan trọng là chất lượng học và chương trình đào tạo ra sao. Bên cạnh đó, ĐB Thảo cũng đề nghị quy định rõ quá trình thực hiện lộ trình nâng chuẩn thì cơ sở mầm non có được tuyển mới GV ở trình độ trung cấp sư phạm nữa hay không, vì nếu không sẽ gây khó khăn cho các địa phương đang thiếu GV một cách cục bộ.

Giáo viên vi phạm đạo đức có phải do không được đào tạo từ trường sư phạm ?

Giáo viên lâu năm không đủ tiêu chuẩn làm mất cơ hội của người trẻ
Trả lời Thanh Niên bên hành lang QH ngày 21.5 về việc liệu quy định GV phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn viên chức có phải là hình thức và đang làm khó GV hay không, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định các chứng chỉ này không phải là hình thức vì đây là điều kiện đầu vào. “Ngoại ngữ không phải là điều kiện để dạy ngoại ngữ, mà còn là điều kiện để quan hệ, tiếp xúc, nghiên cứu nữa”, ông Tân nói và cho rằng nếu những GV lâu năm, nhiều thành tích nhưng lại không có trình độ ngoại ngữ, tin học để đáp ứng tiêu chuẩn đầu vào thì sẽ làm mất cơ hội của những người trẻ có điều kiện đầu vào tốt hơn.
Cũng liên quan tới chuẩn trình độ nhà giáo, ĐB Nguyễn Trường Giang (ĐBQH tỉnh Đắk Nông) băn khoăn việc dự thảo luật quy định GV từ cấp tiểu học trở lên phải có bằng đại học sư phạm mà không cho tuyển dụng những người tốt nghiệp đại học không phải sư phạm là chưa phù hợp với chủ trương tuyển dụng, trọng dụng người có tài năng. “Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng là khi người được tuyển dụng vào, khi chưa có nghiệp vụ sư phạm thì cần được bồi dưỡng với một chương trình phù hợp mà không chỉ giao cho các trường sư phạm đào tạo GV giáo dục phổ thông”, ĐB Giang nói và nhấn mạnh, nếu cho rằng đạo đức học đường có liên quan đến những nhà giáo không được đào tạo từ trường sư phạm thì cơ quan soạn thảo cần báo cáo rõ hơn với QH về những vụ việc gần đây gây bức xúc cho dư luận có liên quan gì đến GV không được đào tạo từ trường sư phạm hay không.

Giáo viên đang bị buộc phải gian dối

Liên quan tới tiêu chuẩn đối với nhà giáo, ĐB Đinh Duy Vượt đề nghị bỏ khoản quy định nhà giáo phải đáp ứng chuẩn nghề nghiệp và vị trí việc làm (khoản 4, điều 67 về Tiêu chuẩn nhà giáo - PV) vì cho rằng điều này ẩn chứa nhiều nhiêu khê, có thể bị lợi dụng để đẻ ra các loại “giấy phép con” làm khó, làm khổ GV. Gần như 100% GV đều bức xúc, kêu ca, nhất là GV lớn tuổi ở các vùng sâu, vùng xa. “Việc quy định buộc GV phải có chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn khung châu Âu, GV ngoại ngữ phải có chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai, chứng chỉ bồi dưỡng chuẩn GV các hạng, chứng chỉ tin học… nghe thì rất hay và hợp lý nhưng thực chất rất hình thức, gây ra nhiều hệ lụy, buộc GV phải gian dối”, ĐB Vượt nêu và cho rằng hàng vạn GV sẽ vui mừng khi sớm bỏ quy định buộc GV phải có các loại chứng chỉ trong tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp hiện nay.
ĐB Lê Quang Trí (ĐBQH tỉnh Tiền Giang) thì cho rằng các tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất đối với nhà giáo là rất cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị giao bổ sung điều khoản cho Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chuẩn đạo đức, phẩm chất đối với nhà giáo cũng như phương pháp đánh giá để có thể định lượng một cách khách quan, khoa học. Bên cạnh đó, ĐB Trí cho rằng để thu hút được học sinh, sinh viên giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt vào ngành sư phạm thì các quy định về chính sách đối với nhà giáo trong dự thảo luật là chưa đủ mạnh. ĐB Trí kiến nghị bổ sung chính sách có liên quan đối với nhà giáo. Chẳng hạn, con em nhà giáo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn học phí các cấp học...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.