'Bộ không nên ôm thi và tuyển'

29/10/2015 06:19 GMT+7

Trong hội thảo về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN tổ chức hôm qua ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ không nên ôm việc mà nên thực hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Thi tốt nghiệp THPT để địa phương lo, tuyển sinh ĐH, CĐ để các trường tự chủ.

Trong hội thảo về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN tổ chức hôm qua ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng Bộ không nên ôm việc mà nên thực hiện đúng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Thi tốt nghiệp THPT để địa phương lo, tuyển sinh ĐH, CĐ để các trường tự chủ.

Theo các đại biểu tại hội thảo, nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương - Ảnh: Đ.N.ThạchTheo các đại biểu tại hội thảo, nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương - Ảnh: Đ.N.Thạch
Trả kỳ thi tốt nghiệp về địa phương
70% thí sinh đạt mức điểm từ trung bình
trở lên là con số mà nhiều người cho rằng phù hợp với mức độ đánh giá tốt nghiệp của học sinh học hết lớp 12 hiện nay. Vì thế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng chỉ nên như thế,
chứ hơn chín mươi mấy phần trăm như hiện nay thì đúng là nên bỏ thi
Tiến sĩ  LÊ VIẾT KHUYẾN  nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), nêu một số ưu điểm của kỳ thi THPT quốc gia, chẳng hạn như kết quả tốt nghiệp phản ánh đúng thực tế, qua đó cho thấy công tác coi thi chấm thi khá trung thực, khách quan, đáng tin cậy. Bà Phụng nêu ví dụ: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chung là 91,71%. Cụm thi liên tỉnh đạt 94%, cụm thi do Sở chủ trì đạt 84%.
PGS Văn Như Cương, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho biết ông không đồng tình với đánh giá này, bởi vừa thiếu logic vừa không thực tế. Theo ông Cương, từ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa 2 cụm thi chênh nhau 10% để suy luận “các cụm thi địa phương cũng làm hết sức nghiêm túc” là rất thiếu cơ sở. “Nếu vậy thì tôi nói đáng lý ra ở cụm ĐH 94% thì ở cụm địa phương chỉ 50% mới đúng, thì sao?”. PGS Văn Như Cương cũng nêu một ví dụ khác để cho rằng nhiều nội dung tự đánh giá của Bộ về kỳ thi là “không đáng tin”. Bộ nói thi cử được đổi mới theo đánh giá năng lực, nhưng nhìn vào đề thi toán năm nay, các nhà chuyên môn thấy nó chẳng khác gì đề thi toán của cách đây 10 - 20 năm.
Ông Cương còn phân tích thêm một số nhược điểm của kỳ thi để cho thấy rằng việc nhập 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ là không thể đạt được. Hơn nữa, nếu cứ để Bộ ôm việc như hiện nay thì câu chuyện thi cử, tuyển sinh sẽ không bao giờ thoát ra khỏi hết những nhùng nhằng hiện có. Vì vậy, rất cần thiết trả kỳ thi tốt nghiệp trở về cho các địa phương. Việc tổ chức thi rồi xét tốt nghiệp như thế nào do địa phương tự quyết định, có thể chỉ là một bài kiểm tra tổng hợp và việc tổ chức nhẹ nhàng giống như bài kiểm tra học kỳ 2 của năm lớp 12.
Rất nhiều ý kiến trong hội thảo đồng tình với việc trả kỳ thi tốt nghiệp trở về cho các địa phương.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cũng kêu lên: “Tôi thấy Bộ khổ quá! Tại sao cứ phải ôm cái kỳ thi tốt nghiệp vào trong khi có ôm vào cũng không thể nào “chuẩn hóa” được cả nước, không thể nào làm cho Hà Nội với Sơn La bằng nhau. Vì thế nên giao việc này về cho các sở họ tự làm”.
Còn tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, cho rằng nếu vẫn là Bộ đứng ra tổ chức thi để xét tốt nghiệp thì nên tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội từ quy trình, cách thức tổ chức thi cho đến khâu ra đề thi.
Ông Khuyến nói: “70% thí sinh đạt mức điểm từ trung bình trở lên là con số mà nhiều người cho rằng phù hợp với mức độ đánh giá tốt nghiệp của học sinh học hết lớp 12 hiện nay. Vì thế tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng chỉ nên như thế, chứ hơn chín mươi mấy phần trăm như hiện nay thì đúng là nên bỏ thi”.
Bỏ điểm “sàn”

Tôi thấy Bộ khổ quá! Tại sao cứ phải ôm cái kỳ thi tốt nghiệp vào trong khi có ôm vào cũng không thể nào “chuẩn hóa” được cả nước

GS LÂM QUANG THIỆP nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
Rất nhiều đại biểu than phiền về những khó khăn trong tuyển sinh năm nay, từ đó nêu lên sự vô lý của việc tồn tại điểm “sàn”. Theo đó, điểm sàn không chỉ là thể hiện sự can thiệp thô bạo vào quyền tự chủ của các trường mà còn là rào cản, hạn chế nguồn tuyển của các trường.
GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho biết năm nay trường chỉ tuyển mới được 2.600 sinh viên, trong khi năm ngoái tuyển được 4.900. Theo GS Phương, rào cản trong việc tuyển sinh năm nay của các trường là quy định điểm “sàn” của Bộ, trong khi thực tế cho thấy học sinh chỉ cần tốt nghiệp là đã đủ năng lực học ĐH.
GS-TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, đề xuất: “Nên cho phép người học sau khi được công nhận tốt nghiệp thì có thể tham gia đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Vấn đề ở chỗ các em có được trường ĐH nào chấp nhận mà thôi. Luật Giáo dục ĐH quy định giao quyền tự chủ ĐH. Sắp tới chúng ta lại phân tầng, có ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, ĐH thực hành và xếp hạng ĐH. Vì thế tuyển đối tượng thí sinh nào sẽ phụ thuộc vào định hướng và đẳng cấp của từng trường, sao Bộ lại phải định ra điểm sàn nữa?”.
GS Lâm Quang Thiệp đề nghị Bộ nên tách bạch rõ hơn nữa khâu tuyển với thi. Trong đó khâu tuyển là để cho các trường tự chủ. Còn khâu thi, cần phải xem đây là một hoạt động dịch vụ giáo dục, trong khi chưa có các đơn vị độc lập thì Bộ cũng có thể đứng ra tổ chức giúp, nhưng nếu Bộ tổ chức thì phải đảm bảo đó là một kỳ thi chất lượng chứ không phải là kỳ thi như kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho rằng trong khi ở VN chưa có các công ty cung cấp dịch vụ giáo dục đứng ra tổ chức các kỳ thi quy mô rộng và có uy tín thì nên chăng Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức một “sân chơi tuyển sinh” để trường nào thích hoặc thấy cần thì tham gia và đây cũng là một cách thể hiện sự tự chủ.
Các trường được tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh riêng
Tại hội thảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng các trường hoàn toàn được tự chủ tuyển sinh. Kết quả thi THPT quốc gia chỉ là một căn cứ chứ Bộ không hề ép buộc các trường phải lấy kết quả kỳ thi này để tuyển sinh. Các trường được hoàn toàn tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh của mình. Bộ cũng mong muốn đến một ngày nào đó tất cả các trường đều có thể tự chủ tuyển sinh được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.