Bỏ hay không một tác phẩm văn học trong nhà trường?

Hiểu đúng một tác phẩm không phải là dễ dàng, cảm nhận được cái hay của nó càng khó hơn. Một tác phẩm đưa vào nhà trường thì yếu tố tiên quyết là phải đảm bảo tính giáo dục.

Từ trước đến nay có khá nhiều tác phẩm đưa vào sách giáo khoa song bị nhiều người cho là không nên vì có nhiều yếu tố phản cảm, gây tranh cãi. Từ các truyện dân gian như Tấm Cám, Trí khôn của tao đây cho đến các đoạn trích nhạy cảm của Truyện Kiều (Nguyễn Du), tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng… Cách đây khá lâu, có ý kiến của một học sinh lớp 11 cho rằng không nên đưa bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu vào nhà trường vì nhiều từ ngữ cổ khó hiểu, vì đau buồn, vì không hợp thời với các em...

“Tái sinh” tác phẩm văn học: Nhiệm vụ của người dạy

Trong những tình huống này, vai trò người cầm lái - những người biên soạn các câu hỏi hướng dẫn học bài trong sách giáo khoa, cũng như sự dẫn dắt của giáo viên trực tiếp giảng dạy, nhằm gợi mở để học sinh tìm hiểu tác phẩm theo hướng tích cực, phù hợp với thực tế cuộc sống hiện tại là vô cùng quan trọng.

Có thể nói, cách định hướng để tìm hiểu những giá trị tác phẩm văn học của chúng ta qua bao thập kỷ qua chưa có nhiều đổi mới đột phá. Vì thế khi tìm hiểu tác phẩm, người dạy và người học vẫn bị giới hạn ở các mặt như: chủ nghĩa yêu nước ở đâu, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo thế nào, bênh vực ai, phê phán gì? Cho nên đa phần các tác phẩm bị “đóng khung” trong một giới hạn tìm hiểu.

Với mọi tác phẩm, ngoài giá trị ổn định có tính bất biến về nội dung và nghệ thuật gắn liền với lịch sử, thời đại thì việc dạy và học văn cần có thêm một nhiệm vụ nữa là: làm sống dậy nó trong lòng người đọc đương đại.

Đi tìm ý nghĩa giáo dục của tác phẩm Chí Phèo

Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, bị chuyền qua nhiều tay người nuôi, thế mà khi lớn lên, năm 20 tuổi, Chí vẫn lành vững, trong sạch: làm một anh canh điền tốt bụng, ghét cái gian dâm và giàu ước mơ, khát khao hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Ngay cả ngày nay, bao số phận không được may mắn như Chí mà có được mấy người trụ vững được tâm hồn thiên lương. Nhiều người khi sa đà vào lối sống trụy lạc thì thường vin vào lẽ nọ lý kia của hoàn cảnh để tìm muôn cách đổ thừa, và cứ thế càng trượt dài hơn. Chí Phèo đã cho họ bài học về nghị lực: phải biết vựợt qua nghịch cảnh để sống đàng hoàng, tử tế!

Vì nhiều lý do đưa đẩy, Chí Phèo bị ghen, vào tù, bị biến chất, bị tha hóa, trở thành kẻ lưu manh, thành con quỷ dữ của cả xã hội. Anh triền miên trong những cơn say, biến dạng cả mặt mày, tăm tối cả linh hồn cho quỷ sứ. Thế nhưng, thử hỏi, có được mấy người như Chí về sự ý thức được hòa nhập với cộng đồng xã hội, khát khao như Chí vì được biết tường tận về nguồn gốc họ hàng của mình từ đâu. Đọc báo ngày nay mà thấy có quá nhiều câu chuyện nhói lòng về nhân tình thế thái, nhức nhối về tình nghĩa phu thê, và tái tê với đạo nhà phụ tử…

Và ngay cả Chí nữa, khi đã thành quỷ, bị tước mất hết quyền làm người lương thiện, từ trong sâu thẳm bản thân, tiếng nói lương tri đã thúc giục anh đi đòi cho được. Đủ thấy rằng khát khao làm người tử tế của Chí là rất lớn.      

Học sinh thực hiện hoạt cảnh tác phẩm Chí Phèo trong chương trình học Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Giải mã” sự trả thù của Tấm
Truyện cổ tích Tấm Cám từ lâu đã được đưa vào giảng dạy ở bộ môn ngữ văn lớp 10. Có thể nói, đây được xem là truyện cổ tích thần kỳ hấp dẫn nhất, tiêu biểu nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Nó được nhiều đối tượng người đọc, người nghe yêu thích từ trước đến nay, nhất là hình tượng nhân vật Tấm. Cô được xem như là biểu tượng của sự hiền thảo, nết na, đảm đang, tháo vát… Tuy nhiên, ở phần cuối của truyện, chi tiết sự trả thù khá man rợ của Tấm với mẹ con Cám đã tạo nên cách nhìn nhận, sự đánh giá khác nhau về tính toàn mỹ của tác phẩm vốn được xem là tuyên ngôn cho lẽ sống của cha ông xưa “cái thiện luôn chiến thắng cái ác”.
Văn bản sách giáo khoa ngữ văn 10 hiện hành chỉ mới dừng lại ở chỗ: Sau khi Cám bị Tấm sai quân lính đào một cái hố và dội nước sôi chết, mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết. Bản kể khác của Nguyễn Đổng Chi có thêm phần trả thù khá “quyết liệt” hơn.
Truyện Tấm Cám không phải chỉ thuần túy là truyện cổ tích thuyết minh cho luận đề “ở hiền gặp lành”. Chân lý này chỉ đúng ở phần đầu của truyện. Lúc đó, Tấm hiền lành, chăm chỉ nên được Bụt giúp đỡ. Phần sau của truyện, vai trò của Bụt mờ dần, Tấm phải tự thân biến hóa rất nhiều lần để sống và chống lại mẹ con Cám. Và phải tự bàn tay mình vun đắp lại hạnh phúc với vua qua sự khéo léo từ miếng trầu têm cánh phượng.
Sự vận động của truyện như thế cho thấy quan niệm của dân gian cũng thay đổi theo phần sau. Đó là Tấm không thể “ở hiền” để được “gặp lành” nữa, nếu không muốn mình cứ bị giết và phải biến hóa mãi. Cần phải có một sự kết thúc dứt khoát để đem lại sự công bằng cho Tấm, để thỏa mãn “tâm lý căm giận” của dân gian khi theo dõi câu chuyện. Và cũng để làm rõ một triết lý sống nữa là “ác giả" thì tất sẽ bị "ác báo” ngay chính đối tượng mình gây ra.
Vì thế mà, bài học lương thiện từ “ở hiền gặp lành” đã chuyển đổi sang tầm triết lý mới, hiện đại hơn, trong bối cảnh đấu tranh của xã hội giữa cái thiện và cái ác ngày càng khốc liệt: “Tức nước thì vỡ bờ”, “giun xéo lắm cũng quằn”. Vì vậy mà truyện Tấm Cám đã đem đến một chiêm nghiệm mới có tính tự phản biện sâu sắc trong tư duy biện chứng của dân gian ta: Không cứ phải bao giờ ở hiền cũng được gặp lành, mà phải biết đấu tranh để giành lấy phần thắng cho cái thiện!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.