Bộ GD-ĐT ở đâu trong vụ tiếng Việt công nghệ giáo dục?

08/09/2018 08:01 GMT+7

Trong khi dư luận xã hội trong và ngoài nước sôi sục với câu chuyện tiếng Việt công nghệ giáo dục, một chương trình đã tồn tại 40 năm qua, với nhiều ý kiến trái chiều mà trong đó chủ yếu là chỉ trích gay gắt thì chưa thấy sự giải thích cặn kẽ, thấu đáo nào từ Bộ GD-ĐT.

Mặc cho cái sai, sự nhầm lẫn thao túng
Sau nhiều ngày, khi báo chí truy vấn, chỉ một trả lời ngắn gọn từ Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học rằng tài liệu Tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại đi theo hướng ngữ âm học, bao nhiêu năm nay đã tổ chức, triển khai dạy học như thế rồi chứ không phải năm nay mới có, thực chất không phải cái gì đó mới hay phát hiện mới lạ và Hội đồng thẩm định quốc gia của Bộ GD-ĐT đã thẩm định là không sai.
Vậy thôi. Sau đó mặc cho xã hội muốn hiểu thế nào thì hiểu, thậm chí hiểu sai. Mặc cho “cơn bão” chỉ trích, phê phán... diễn ra gần như hằng ngày trong gần 2 tuần qua kể từ khi clip đầu tiên được một phụ huynh ở Phú Quốc (Kiên Giang) đưa lên mạng xã hội và được một số báo chí đăng lại việc phụ huynh hoang mang vì cô giáo dạy cách đánh vần “lạ”. Mặc cho sau đó dư luận đẩy vấn đề xa hơn khi xỉ vả cả “cha đẻ” của chương trình này đến bàn luận việc độc quyền phát hành sách giáo khoa công nghệ... Bộ vẫn tiếp tục im lặng.
Bộ GD-ĐT ở đâu trong vụ tiếng Việt công nghệ giáo dục ?1
Các báo chính thống, bằng nỗ lực của mình, đã liên tục đưa tin bài nhằm giúp dư luận hiểu rõ vấn đề. Những người đã từng học Chương trình Thực nghiệm trong 40 năm qua kiên nhẫn lên mạng xã hội chứng minh rằng đây không phải là hủy hoại tiếng Việt như nhiều người nghĩ. Các giáo viên tiểu học, ngữ văn, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học... góp sức bằng nhiều cách giải thích nhằm mong xã hội hiểu đúng. Mỗi người mỗi cách nhưng đều đứng ở góc nhìn của mình nên không thể bao quát, toàn diện để làm dịu dư luận.
Dường như mọi thứ đã quá muộn khi đến giờ các thông tin lệch lạc, sai vấn đề đã xâm chiếm mạng xã hội và đã len lỏi vào trong suy nghĩ của từng người khiến họ giữ nguyên định kiến. Cái sai, sự nhầm lẫn khi được mạng xã hội lan truyền theo cấp số nhân thì dần trở thành… đúng khiến những nỗ lực “dân sự” bị chìm lấp trong những định kiến chưa đúng sự thật. Điều này khiến không chỉ phụ huynh năm nay “hoang mang” mà cả phụ huynh các năm trước cũng “hốt hoảng”, không chỉ người bình dân mà cả giới trí thức cũng thấy đầy ngờ vực. Mới cuối tháng 8 chỉ có phụ huynh Phú Quốc lo âu thì nay ngay sau ngày khai giảng, phụ huynh ở Cần Thơ đã kéo đến trường đòi giải thích về tiếng Việt công nghệ giáo dục. Nếu không khéo, “đám cháy” này có thể còn lây lan ở gần 50 tỉnh, thành đang thực hiện chương trình này giống như một hai năm trước, phụ huynh tẩy chay mô hình trường học mới VNEN.
Cần sự giải thích thỏa đáng chính thống
Nếu lãnh đạo Bộ GD-ĐT có trách nhiệm hơn thì nên có buổi gặp mặt báo chí để giải thích cho rõ ngọn nguồn với dư luận, một clip phát biểu công khai minh bạch về câu chuyện này.
Khi tình hình đã đến mức này, dư luận cần nghe những phân tích thấu đáo cả mặt ưu điểm và hạn chế của chương trình này. Phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại liệu đến nay có còn phù hợp, có điểm nào đã lạc hậu, chỗ nào là hạn chế sau 40 năm...? Những ưu điểm nào của chương trình cần phát huy? Việc triển khai chương trình như thế nào? Những điều gì cần lắng nghe dư luận?... Không ai khác ngoài lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải xông vào giải thích với xã hội.
Dù đây là chương trình do một cá nhân thiết kế nhưng được Bộ GD-ĐT thẩm định và đưa vào sử dụng thì Bộ phải có trách nhiệm khi nó gặp sự cố, chứ không thể để mặc dư luận muốn nghĩ sao cũng được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.