Bộ GD-ĐT lý giải về việc 'điểm chuẩn đại học cao bất thường'

03/08/2017 16:13 GMT+7

Trả lời báo chí ngày 3.8, ông Bùi Văn Ga , Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng chỉ vài chục ngành trong số hơn 4.000 ngành ở đại học, có điểm chuẩn cao, còn hầu hết các ngành điểm chuẩn tăng giảm bình thường.

Mấy ngày nay, việc điểm chuẩn cao bất thường ở một số ngành của một số trường đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Trả lời báo giới về hiện tượng này, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng số ngành tuyển sinh có điểm chuẩn rất cao chiếm tỉ lệ chưa đến 1% tổng số ngành, hầu hết các ngành còn lại việc tăng, giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm.
Về ý kiến của dư luận do cách ra đề thi năm nay khiến số thí sinh đạt điểm 9 - 10 nhiều, nâng mặt bằng điểm chuẩn lên cao hơn, ông Ga chia sẻ: "Trước đây khi thi tự luận mỗi môn thi chỉ có một đề thi duy nhất, thì đề thi chỉ có một vài câu hỏi khó rơi vào một vài chương của chương trình, nên chỉ một số ít thí sinh chuyên sâu các chương này mới làm được. Nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình. Vì thế nhiều thí sinh có thể làm được kéo theo số thí sinh điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận.
Tuy nhiên, số lượng thí sinh được điểm 9 - 10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số thí sinh dự thi, điểm trung bình hầu hết các môn thi đều nằm trong khoảng 5 - 6 điểm, nên đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng thí sinh có điểm cao này lại ưu tiên đăng ký vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn dĩ đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít, vì vậy, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1".

tin liên quan

Gần 10 điểm mỗi môn vẫn rớt đại học
Chưa khi nào như năm nay, thí sinh đạt trung bình gần 10 điểm mỗi môn vẫn trượt ĐH. Nghịch lý là có những trường hợp thí sinh bị loại có điểm cao hơn thí sinh đã trúng tuyển do quy định làm tròn điểm, tiêu chí phụ hay điểm ưu tiên!  
Tuy nhiên ông Ga cho rằng, không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa là các em đã trượt đại học. Nếu các em đã thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn các em đã trúng tuyển các nguyện vọng khác. Cách xét tuyển không giới hạn nguyện vọng là giải pháp hiệu quả giúp cho thí sinh tránh được rủi ro, giúp cho thí sinh có điểm thi cao luôn trúng tuyển vào ngành/trường yêu thích phù hợp với kết quả thi đạt được.
Theo ông Ga, những năm trước với số nguyện vọng giới hạn, thí sinh phải cân nhắc thận trọng, phải phán đoán trước khi đăng ký xét tuyển và chấp nhận nhiều rủi ro. Còn năm nay, với số nguyện vọng không giới hạn, các em có thể đăng ký vào bất kỳ ngành/trường nào mà các em yêu thích.
Ông Ga cũng nhận định: quy chế quy định nguyện vọng của thí sinh được xét bình đẳng như nhau. Vì thế nếu không trúng tuyển nguyện vọng cao thì các em sẽ được xét nguyện vọng tiếp theo bình đẳng với các nguyện vọng khác. Năm nay những thí sinh điểm cao mà quyết tâm đi học thì sẽ chắc chắn trúng tuyển vào một ngành/trường phù hợp với kết quả thi và không có sự rủi ro như những năm trước đây.
Ví dụ như ngành y đa khoa nếu các trường ĐH Y Hà Nội, Dược TP.HCM lấy điểm chuẩn 29,25 thì những trường ĐH khác cũng đào tạo ngành này lấy điểm chuẩn thấp hơn. Vì thế nếu thí sinh thi được 27 điểm chẳng hạn muốn học ngành y đa khoa và đã đăng ký vào các trường có đào tạo ngành này thì không thể trượt được".
Trước những ý kiến của dư luận về việc cộng điểm ưu tiên gây mất công bằng trong tuyển sinh, ông Bùi Văn Ga cho biết: “Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.