​'Bộ GD-ĐT có thể đề xuất Chính phủ quyết định việc thi thế nào'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
17/03/2020 07:09 GMT+7

Do dịch Covid-19, học sinh nghỉ kéo dài, hiệu trưởng một trường gửi thư kiến nghị Bộ GD-ĐT giảm môn thi kỳ thi THPT quốc gia trong khi có chuyên gia cho rằng Bộ có thể đề xuất để Chính phủ quyết định thi thế nào.

 

Đề xuất giảm môn thi, công bố đề minh họa

Liên quan đến việc phải thay đổi cách thức thi THPT quốc gia năm nay để ứng phó với dịch Covid-19, ngày 16.3, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, đã gửi thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, đề nghị giảm môn thi trong kỳ thi này.
Trong thư, ông Khang đề nghị chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ các bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đồng thời, nội dung đề thi cũng cần có những điều chỉnh phù hợp, Bộ cần cân nhắc, xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và các nhà trường có kênh tham khảo chính thức để ôn tập và yên tâm về định hướng đề thi trong năm học đặc biệt này.
Về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 của TP.Hà Nội, ông Khang đề nghị Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung xem xét sửa quyết định về kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021. Theo đó, chỉ thi các môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ tư, là một trong các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, giáo dục công dân (được chọn ngẫu nhiên vào cuối tháng 3).
Ông Khang chia sẻ thêm: “Tôi đề xuất giảm bớt một số môn thi trong các kỳ thi nói trên, nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, giúp người dân tin tưởng, đồng lòng chống dịch bệnh. Đồng thời giảm quy mô tổ chức các kỳ thi của Bộ và TP. Những năm sau, khi hết dịch bệnh, các kỳ thi sẽ lại được tổ chức đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia

GS Đào Trọng Thi
(nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội)

Ông Khang không đề xuất xét tốt nghiệp THPT thay thi vì luật Giáo dục đã quy định lớp 12 phải thi tốt nghiệp THPT. Nếu Bộ GD-ĐT không tổ chức kỳ thi thì phải trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội quyết định vào kỳ họp (dự kiến vào tháng 5, 6). Lúc đó là quá muộn vì phương án thi phải công bố sớm để người dân được biết.

Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị: “Luật Giáo dục quy định vẫn phải thi để được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, tổ chức thi như thế nào, có tổ chức thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh hay cấp trường thì do Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất, báo cáo của Bộ GD-ĐT, chứ luật Giáo dục không nói đây là kỳ thi cấp quốc gia”.
Nếu không thi ở cấp quốc gia mà giao cho các trường tổ chức thi và xét tốt nghiệp THPT, theo GS Đào Trọng Thi, thì Bộ GD-ĐT cần xây dựng đề án, trình Chính phủ phê duyệt và báo cáo Quốc hội trước khi thực hiện. “Báo cáo Quốc hội là để Quốc hội giám sát, những gì chuẩn bị chưa kỹ thì Quốc hội khuyến cáo, chứ Quốc hội không quyết định hình thức thi cụ thể. Quốc hội không ra nghị quyết cho việc này”, GS Thi nói.
Ông Đào Trọng Thi nêu quan điểm: “Nếu Bộ GD-ĐT định thực hiện một phương án đặc thù để xét tốt nghiệp THPT cho năm nay thì cần cụ thể. Đây là quyết định có tác động lớn đến nhân dân, nên cần xin ý kiến của người dân, của các cơ sở giáo dục, giới giáo chức… nên cần chuẩn bị kỹ trước khi quyết định chính thức chứ không phải quyết định một cách “ngẫu hứng” được”.
Giảm môn thi, xét tuyển vào ĐH có ảnh hưởng ?
Với việc tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ bị ảnh hưởng khi giảm các môn thi, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội, cho rằng các trường ĐH cần phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh như sơ tuyển, tuyển sinh bằng học bạ…
Nếu vẫn dựa vào điểm thi THPT quốc gia mà chỉ thi 3 môn như đề xuất thì các ngành khoa học tự nhiên có thể tính điểm môn toán nhân hệ số 2; với các ngành khoa học xã hội hoặc ngôn ngữ, có thể thay đổi hệ số môn cho phù hợp, đồng thời sử dụng thêm kết quả học tập THPT. “Với những lý do trên, tôi cho rằng đề xuất giảm môn thi và điều chỉnh nội dung thi theo hướng phù hợp với tình hình thực tế là khả thi. Tôi mong các cấp có trách nhiệm sẽ xem xét, sớm đưa ra quyết định phù hợp”, ông Khang nói.
Theo GS Đào Trọng Thi, kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay cũng có “vấn đề”, có những bất cập. Tuy nhiên thay bằng cách khác để nó tốt hơn thì phải chuẩn bị kỹ, còn thay đổi mà không tính toán kỹ thì có khi còn mất thời gian hơn, phức tạp hơn. Dịch bệnh là tình huống đặc biệt nhưng vấn đề là nếu thay đổi cách thức công nhận tốt nghiệp cho nhẹ nhàng hơn thì phải có một phân tích, đánh giá, chuẩn bị kỹ làm sao vẫn thực chất mà dễ triển khai thực hiện hơn.
Ông Thi bày tỏ: “Bản thân việc xét tốt nghiệp THPT hoặc giao về cho các trường thì đó vẫn là một kỳ thi. Nếu vì dịch, chúng ta đặt vấn đề là “làm cho có”, làm để công nhận tất cả đều đạt tốt nghiệp thì nó lại là câu chuyện không thể chấp nhận và hậu quả sẽ để lại hàng chục năm sau, làm hỏng cả một thế hệ thì rất nguy hiểm”.
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh nếu bàn để có chất lượng và nhẹ nhàng hơn thì phải tính toán là thay kỳ thi THPT quốc gia bằng một hình thức khác đơn giản hơn mà vẫn đảm bảo chất lượng được hay không? “Một số ý kiến cho rằng làm bài kiểm tra, phỏng vấn nhẹ nhàng đánh giá năng lực nhưng thực ra việc này đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ thuật chứ không hề đơn giản. Tôi chưa nghĩ đến những tình huống thay đổi đột ngột như vậy nên chưa thể đưa ra một đề xuất gì cụ thể hơn trong tình huống này”, GS Thi nói.
Ý kiến
Cần giới hạn kiến thức
Việc cần kíp lúc này là Bộ công bố giới hạn kiến thức để các tỉnh thành chủ động ôn tập bằng nhiều hình thức. Theo đó, Bộ nên chọn kiến thức học kỳ 1 và thêm một phần nhỏ của học kỳ 2. Cụ thể, sau khi gián đoạn việc học tập, học kỳ 2 nên tập trung vào các chủ điểm quan trọng của chương trình thay vì dàn trải. Đề thi THPT quốc gia tăng số lượng câu hỏi nhận biết, giảm số lượng câu hỏi vận dụng bởi trong thời gian ngắn việc rèn kỹ năng cho học sinh là vấn đề nan giải.
Công bố giới hạn kiến thức xong thì có nghỉ thêm tháng 4 và sau đó sang tháng 8 hay tháng 9 vẫn thi được vì các em đã có thời gian để ôn tập, không cần học thêm kiến thức mới quá nhiều.
Nguyễn Viết Đăng Du 
(Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
Công bố sớm trọng tâm
Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về công tác thi và công bố sớm định hướng trọng tâm, cấu trúc đề thi, từ đó nhà trường cũng như giáo viên sẽ có hình thức tổ chức giảng dạy phù hợp. Kiến thức nào không thi giáo viên sẽ có hình thức giảng dạy, phù hợp như giới thiệu kiến thức cơ bản, giao dự án, giao bài tập nghiên cứu… Thời gian còn lại sẽ dành cho việc đảm bảo kiến thức của kỳ thi.
Phạm Phương Bình 
(Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.