Bỏ đại học quốc gia và đại học vùng, nên hay không?

10/11/2018 07:41 GMT+7

Một trong những vấn đề 'nóng' được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về luật Giáo dục ĐH trong những ngày gần đây là mô hình ĐH quốc gia và ĐH vùng tồn tại nhiều bất cập, gây lãng phí về tài chính, nguồn lực.

Đặc biệt, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An Nguyễn Tuấn Anh cho rằng nếu sắp xếp lại tổ chức, khắc phục được bất cập này mỗi năm tiết kiệm được 120 tỉ đồng cho mỗi ĐH. Trước những đánh giá này, các chuyên gia có nhiều ý kiến khác nhau.
Kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên
Chúng ta vô tình tạo ra một cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục ĐH, kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên
GS TỪ QUANG HIỂN (nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên)
ĐH Thái Nguyên được thành lập tháng 4.1994 trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại các trường ĐH trên địa bàn tỉnh. Đây là một ĐH vùng, đa cấp, đa ngành, có 7 trường thành viên và 1 phân hiệu tại Lào Cai. Theo GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc ĐH Thái Nguyên, trong suốt 24 năm qua, ông và các đồng nghiệp chưa bao giờ thấy mô hình ĐH vùng là phù hợp.
“Chúng ta vô tình tạo ra một cấp trung gian trong quản lý giáo dục ĐH, kìm hãm sự phát triển của các trường thành viên. Chúng ta nên nghiên cứu kỹ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất. Nếu không giải thể được thì phải nghiên cứu cơ chế quản lý thế nào để các trường thành viên cũng có được quyền tự chủ như các trường ĐH khác. Đây là vấn đề của các ĐH vùng và ĐH quốc gia. Vì thế, rất cần Chính phủ tổ chức một cuộc họp bàn riêng về mô hình này”, GS Hiển đề xuất.
GS Hiển nhận định, ĐH vùng chỉ giúp chúng ta tạo ra một ĐH to hơn về quy mô chứ không làm cho các trường thành viên mạnh lên. Thậm chí, kiểu quản lý như hiện nay làm các trường thành viên yếu đi.
“Anh em các trường thành viên thiệt thòi rất nhiều so với các trường ĐH khác. Cùng ngành nghề, cùng quy mô đào tạo, nhưng khi so với các trường bạn, ví dụ như Sư phạm Thái Nguyên so với Sư phạm Hà Nội 2, hoặc Y Thái Nguyên so với Y Thái Bình… các trường độc lập kia được làm việc trực tiếp với Bộ GD-ĐT thì sẽ thuận lợi hơn nhiều, nên họ phát triển tốt hơn. Thành viên của trường ĐH vùng có tuổi đời trên dưới 50 năm, quy mô hàng chục ngàn sinh viên/trường, họ so với các trường chỉ vài ngàn sinh viên mà lại không có quyền bằng, nên lúc nào họ cũng cảm thấy mình thua thiệt. Cơ chế quản lý ĐH 2 cấp tạo ra một cuộc cạnh tranh không công bằng với các trường ĐH thành viên. Trong khi các trường ĐH khác cứ thế chạy, còn ĐH thành viên thì phải đeo thêm quả tạ dưới chân”, GS Hiển nhận xét.
Không nên bỏ nhưng thay tên gọi

ĐH đa ngành, đa lĩnh vực như ĐH quốc gia và ĐH vùng phù hợp với mô hình cơ sở giáo dục ĐH ở các nước phát triển hiện nay

GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng không nên bỏ mô hình ĐH 2 cấp, trong đó có ĐH quốc gia. Bởi theo thông lệ thế giới, ĐH đa lĩnh vực được hình thành khi hội đủ các yếu tố, trong đó có sự hình thành của các đơn vị thành viên đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện ở VN không chỉ 2 ĐH quốc gia, các ĐH vùng mà một số trường ĐH lớn cũng có thể hoạt động theo mô hình này.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết: “ĐH đa ngành, đa lĩnh vực như ĐH quốc gia và ĐH vùng phù hợp với mô hình cơ sở giáo dục ĐH ở các nước phát triển hiện nay”. Tuy nhiên, cả ông Nguyễn Minh Thuyết và ông Nguyễn Thiện Tống đề nghị cần chỉnh lại cách gọi tên đơn vị và người đứng đầu của hệ thống ĐH này. Cụ thể sửa “ĐH quốc gia” thành “viện ĐH”, người đứng đầu là “viện trưởng” thay vì “giám đốc”. Các đơn vị thành viên cũng có thể gọi là “trường ĐH” nhưng khi dịch sang tiếng Anh sẽ là “school, college, faculty” chứ không phải “university”. Người đứng đầu đơn vị thành viên này có thể gọi là “hiệu trưởng” hay “trưởng khoa”.
Ông Thuyết còn cho rằng nếu chỉ có ĐH quốc gia và ĐH vùng được tổ chức theo mô hình ĐH đa ngành, đa lĩnh vực thì lại chưa thực sự phù hợp với xu hướng của thế giới. Bởi như vậy là hạn chế sự phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH khác, trong khi họ cũng có khả năng phát triển thành. Cần mở rộng mô hình trên cho toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH, không bắt buộc nhưng cũng không hạn chế bất kỳ cơ sở giáo dục ĐH nào phát triển thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế (TP.HCM), nhìn nhận: “Các nước phát triển trên thế giới đều có mô hình đa ngành, đa lĩnh vực theo kiểu “trường mẹ” có nhiều “trường con”, mỗi trường con chuyên sâu về một lĩnh vực. Các trường nằm trong trường thì được gọi là “school”, còn “trường mẹ” gọi là “university”. Ở VN, tên gọi “ĐH mẹ” và “ĐH con” vẫn còn lấn cấn, không hợp lý”.
Còn PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng sự ra đời của mô hình ĐH này là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục ĐH VN, lần đầu tiên xuất hiện tổ hợp các trường ĐH đa lĩnh vực có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cao trong hệ thống.
Theo PGS-TS Nghĩa, mô hình các trường ĐH truyền thống gắn kết với nhau thành một tổ hợp đã có ở nhiều nước.
“Thương hiệu ĐH quốc gia không những đã được xã hội VN tin tưởng mà còn được toàn thế giới biết đến, minh chứng là sự xuất hiện trong bảng xếp hạng QS. Chúng ta cần ủng hộ và duy trì những mô hình có hiệu quả cao, phù hợp xu thế của thế giới”, ông Nghĩa đề xuất.
Vậy nếu cần phải tồn tại theo xu thế của thế giới thì mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng nên thay đổi như thế nào để thật sự giúp các trường thành viên phát triển chứ đừng là “quả tạ dưới chân” như hiện nay?
Sự ra đời của ĐH quốc gia, ĐH vùng
Theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), từ sau năm 1975 đến trước năm 1993, ở VN không có các ĐH đa lĩnh vực. Tất cả các cơ sở giáo dục ĐH để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô (cũ), tức đều là các trường ĐH chuyên ngành. Cái gọi là “trường ĐH tổng hợp” trên thực tế cũng chỉ là trường đào tạo về khoa học cơ bản. Những năm 1993, 1994, với tầm nhìn hội nhập quốc tế, nhà nước chủ trương xây dựng các ĐH đa lĩnh vực. Vì thế, 2 ĐH quốc gia và 3 ĐH vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng) ra đời, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục ĐH chuyên ngành có trên cùng một địa bàn lại với nhau. Hiện tại, 5 ĐH này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 ĐH quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (đối với ĐH vùng) ký ban hành.

Ý KIẾN
Bỏ sẽ là một sai lầm
“Các trường ĐH chuyên ngành (mô hình Liên Xô trước đây) thuộc các bộ ngành không còn đáp ứng được với sự chuyển đổi hiện nay. Bỏ mô hình ĐH quốc gia là một sai lầm về tự trị vì đây là mô hình đúng đắn để phát triển. Đây là nơi phát huy sự sáng tạo trong giáo dục ĐH. Có chăng nên cấu trúc lại Bộ GD-ĐT để giảm quản trị tập trung các ĐH mà đưa về các ĐH quốc gia hay ĐH vùng”.
GS Dương Nguyên Vũ (ĐH Công nghệ Nanyang - Singapore)
Cần đánh giá lại mục tiêu
“Muốn tính đến chuyện bỏ hay không mô hình ĐH quốc gia cần xem xét lịch sử hình thành hai ĐH quốc gia khác với các ĐH khác như thế nào? Mục tiêu của nó là gì? Sau bao nhiêu thời gian hai ĐH có đạt mục tiêu hay không? Có đánh giá rõ ràng thì mới dễ dàng xác định nên bỏ hay không”.
GS Trương Nguyện Thành (ĐH Utah - Mỹ)
Cần phân quyền tự chủ nhiều hơn cho trường thành viên
“Mô hình ĐH quốc gia còn phù hợp với tình hình VN trong giai đoạn này nhưng cần tập trung vào chức năng thực sự mà các trường ĐH thành viên không thể làm được. Và cần phân quyền tự chủ nhiều hơn cho ĐH thành viên, tổ chức bộ máy gọn nhẹ hơn”.
Thạc sĩ Đỗ Duy Khương (Cựu du học sinh Trường Paris 6)
Đăng Nguyên (ghi)

(còn tiếp).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.