Bí thư Đinh La Thăng: Có ai giới thiệu tiến sĩ lên hát 'Dạ cổ hoài lang' đâu?

28/02/2017 18:57 GMT+7

Sáng 28.2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Hát cải lương có cần tiến sĩ?

PGS-TS Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đào tạo nghệ thuật hiện còn nhiều hạn chế. Trong đó, phim trường, phòng chức năng chuyên dụng, phòng chiếu phim đạt chuẩn còn thiếu.
Trường này hiện có 109 cán bộ viên chức, trong đó có 55 giảng viên cơ hữu (3 PGS, 5 TS, 18 thạc sĩ, còn lại là cử nhân ĐH và CĐ). Hiện trường đang đào tạo 10 chuyên ngành các bậc ĐH, CĐ và TC. Năm học 2016-2017 trường có 832 thí sinh đăng ký thì có 223 thí sinh trúng tuyển (đạt tỷ lệ 96,95% chỉ tiêu).
Ông Lương Văn Nhiền, Bí thư Đảng ủy khối cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho rằng cần nhanh chóng có cơ chế riêng cho trường trong đào tạo lực lượng tại chỗ vì đội ngũ hiện tại không đáp ứng đủ điều kiện mở mã ngành theo quy định của luật Giáo dục. Hiện nay trường vẫn chưa có phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, một số khoa chưa có trưởng khoa do thiếu người có học vị tiến sĩ.
Về vấn đề này, Bí thư Đinh La Thăng đề nghị sớm kiện toàn bộ máy nhà trường để đảm bảo hoạt động, trong đó xem xét các môn đặc thù như cải lương thì có cần tiến sĩ không hay chỉ cần nghệ sĩ. “Ngành nghệ thuật cũng cần tiến sĩ như các ngành khoa học, nhưng đây là ngành đặc thù thì phải xin thí điểm cơ chế riêng, không nhất thiết mỗi khoa phải có nhân sự tiến sĩ. Tôi thấy người ta giới thiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân chứ có ai giới thiệu tiến sĩ lên hát Dạ cổ hoài lang đâu?”, ông Thăng nói.

Đạo diễn mà học “chay”
Phát biểu tại buổi làm việc, nghệ sĩ-đạo diễn Trần Minh Ngọc mong muốn được bổ sung cơ sở vật chất phục vụ đào tạo vì muốn đào tạo tài năng không chỉ trên giấy tờ mà cần phải có thực tế. “Chúng tôi cũng đang rất thiếu thông tin về việc thế giới đang giảng dạy gì trong lĩnh vực này. Sự tiếp cận ấy rất cần thiết cho sự phát triển của đào tạo”, ông Ngọc nói.
Từ góc nhìn sân khấu truyền thống, nghệ sĩ Ca Lê Hồng lên tiếng: “Việc học phải đi đôi với hành nhưng các sân khấu của trường hiện nay quá nghèo nàn. Từ năm thứ nhất sinh viên ngành đạo diễn cần phải có sân khấu để thử nghiệm chứ không phải đợi đến khi tốt nghiệp. Khoa này cũng thường than phiền là dạy “chay” nhiều quá.
“Trường cần đổi mới chương trình, giáo án và phương thức giảng dạy. Thế giới đã hội nhập nhưng cứ mang giáo án đã xây dựng cách đây mười mấy năm thì khó tiếp cận”, ông Thăng nói.

tin liên quan

Bí thư Đinh La Thăng: Chú trọng nâng cao thu nhập giảng viên
Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc tại Trường ĐH Sài Gòn sáng 5.12. Tham gia buổi làm việc còn có bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UNBD TP.HCM và đại diện các ban ngành thành phố.

Khó thu hút người học nghệ thuật truyền thống
Cũng theo nghệ sĩ Ca Lê Hồng, ngôi trường nằm trên vùng đất Nam Bộ nhưng hiện nay việc tuyển sinh đầu vào ngành cải lương quá ít và ngày càng teo tóp người học. “Muốn đào tạo cải lương tốt cần phải có đầu ra cụ thể, chứ không thể đào tạo chung chung như các ngành khác”, nghệ sĩ này nói.
Một cán bộ nhà trường cũng nói, dù được ưu đãi về học phí và việc làm nhưng ngành cải lương không thu hút được người học. Cán bộ này cho rằng một phần nguyên nhân là giảng viên của trường chưa liên kết với bên ngoài. Mặc dù tập rất nhiều nhưng các vở diễn sau khi thi học kỳ, báo cáo tốt nghiệp xong là bỏ.
Trước câu hỏi được Bí thư Đinh La Thăng nêu ra về cách thu hút người học nghệ thuật truyền thông, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM nêu quan điểm: “Bên cạnh bao cấp học phí thì nên cấp lương cho sinh viên theo học ngành này. Chỉ có như vậy mới nuôi dưỡng được nguồn lực bởi những người theo học ngành này là những người thực sự đam mê”.
Phó chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu cũng mong muốn TP sớm có đơn đặt hàng đào tạo người học phù hợp với nhu cầu TP và giao Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục gắn kết với trường trong thực hiện nhiệm vụ này. Về giáo trình đào tạo, bà Thu đề nghị trường phải thay đổi theo thời gian để việc đào tạo phục vụ đời sống. Trong đó, các sản phẩm đưa ra bên ngoài phải giữ vững được bản sắc văn hoá dân tộc, tránh những nội dung thiếu tính nghệ thuật.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, những khó khăn hiện nay của trường một phần do bản thân trường chưa tranh thủ được sân sau đầy tiềm lực từ TP. Từ đó, ông Thăng chỉ đạo trường phải ký quy chế phối hợp với các đơn vị của TP để hoạt động phối hợp hiệu quả hơn.
Về kiến nghị của trường, ông Thăng đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường giúp hoàn thiện dự án cơ sở 2 của trường và dự án nhà ở giảng viên ngay trong 6 tháng đầu năm. Về đào tạo nghệ thuật truyền thống (cải lương, hát bội), đề nghị TP có sự đầu tư học bổng ngoài bao cấp học phí của Nhà nước để khuyến khích người theo học, tránh sự mai một.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.