Bí quyết tạo nên ngôi trường hạnh phúc

Thúy Hằng
Thúy Hằng
22/03/2021 09:10 GMT+7

Nghe tiếng nói dễ thương của mấy em bé ríu rít ở cổng trường, cô Nguyệt miệng cười tươi, đưa bàn tay vẫy vẫy. Một ngày mới đầy hạnh phúc của cô giáo bắt đầu.

Ở Trường tiểu học An Hảo, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, cô Phạm Thị Nguyệt được các em học sinh gọi bằng “nick name” rất đáng yêu: “cô hiệu trưởng xinh đẹp”. Sáng nào cô trò cũng tíu tít chào nhau. Tiết học bắt đầu, cô đi một lượt vòng quanh các lớp, ngó vào nhìn các em và vẫy bàn tay: “Học vui nha các con”. Điều gì làm nên năng lượng tích cực của cả cô và trò như thế?
Chúng tôi gặp cô Nguyệt trong một sự kiện tại TP.HCM, lắng nghe cô chia sẻ lại hành trình cô trò cùng làm nên một ngôi trường hạnh phúc không chỉ nằm ở khẩu hiệu. “Một hiệu trưởng cau có, tức giận không thể khiến giáo viên vui vẻ làm việc. Một giáo viên vừa bị ban giám hiệu la mắng không thể nào vào lớp vui vẻ, chan hòa với các em học sinh. Và các em học sinh cũng không bao giờ cảm thấy đến trường là hạnh phúc. Muốn các em hạnh phúc, chính chúng tôi phải thay đổi”, cô Nguyệt bày tỏ. Và sự thay đổi, đơn giản nhất, đầu tiên chính là lời chào. Cô chào trò trước, cô hỏi thăm các trò và phụ huynh các em, để sự cởi mở đi đầu sẽ nhận được tin tưởng, thương yêu.
Khi trò vui vẻ, luôn mong được đến trường, người hạnh phúc cũng chính là thầy cô giáo. “Mỗi buổi chiều, tôi đứng trên ban công nhìn các con tíu tít ra về. Theo thói quen, các con ngước lên nhìn thấy cô hiệu trưởng đứng đó vẫy tay chào thì reo lên: “Con chào cô”, “Bye bye cô”, cô Nguyệt vui vẻ kể.
Cô Nguyệt (năm nay 43 tuổi) gắn bó với nghề giáo hơn 20 năm, 13 năm làm cô giáo tiểu học trước khi làm phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng. Là một người mẹ, mong muốn con mình được tới trường, hưởng nền giáo dục như thế nào, cô đều làm những điều tương tự như vậy cho các học trò.
“Tôi không nghĩ công việc của một hiệu trưởng là ngồi trong phòng làm việc cả ngày. Tôi muốn được giao tiếp nhiều hơn với các em học sinh, lắng nghe các em nói, chào hỏi các em. Người quản lý không có nghĩa là làm nhiều nhất, mà có những cách thúc đẩy, truyền cảm hứng cho giáo viên để mọi người luôn có môi trường làm việc tốt nhất, mang tới cho các em học sinh những giờ học hay”, cô chia sẻ.
Không chỉ là một cô giáo tâm huyết với những đổi mới, sáng tạo trong trường học, nhiều năm qua, cô Nguyệt và các đồng nghiệp bền bỉ với giáo dục hòa nhập ở trẻ em. Tại ngôi trường công lập giữa TP.Biên Hòa, hiện có 30 học sinh khuyết tật đang học chung, chơi cùng và được giúp đỡ với hơn 1.000 học sinh khác. Mỗi trò khuyết tật có một hồ sơ ghi rất cặn kẽ từng centimet tình trạng các con thường gặp, để cô giáo và các bạn có thể hỗ trợ tốt nhất.
Trong 30 em đó, có 2 cặp song sinh gặp những khiếm khuyết về trí tuệ. Cặp học lớp 2 có cái tên rất đẹp Thành Đạt, An Khang, mới đây mẹ em rất mừng khoe với cô giáo là năm ngoái con chưa biết làm gì, bây giờ đã biết nấu cơm giúp mẹ. Hay cặp song sinh cùng học lớp 5 rất hay khóc, hở một chút là ngồi khóc hoài nhưng hai anh em rất yêu thương nhau, đi đâu cũng dắt tay nhau, bạn bè luôn giúp đỡ.
Biết nhiều phụ huynh chưa chấp nhận con mình học chung, chơi chung với các bạn, cô Nguyệt tìm dịp thích hợp để nói chuyện cùng. “Chúng ta là cha mẹ của một em bé bình thường, chúng ta đã rất vất vả. Hãy nhìn xem những gia đình có 1 hoặc cả 2 con khuyết tật, khó khăn sẽ nhiều thế nào. Các cô dạy các con 1 năm, bạn bè chơi với con vài năm, còn cha mẹ các em ấy còn phải chăm sóc, lo toan cho các em cả một đời”, nghe cô Nguyệt nói xong, nhiều người chấm nước mắt. Không còn sự phân biệt, xa lánh nữa.
Những ngày hôm sau, tiếng cười trong trẻo ở ngôi trường hạnh phúc ấy vẫn là những thanh âm tuyệt vời nhất…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.