Bí quyết học đại học: Nghiên cứu khoa học là nền tảng để học tập tốt

17/12/2020 09:32 GMT+7

Từ những trải nghiệm của bản thân, Quang Trọng Minh, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng nghiên cứu khoa học giúp sinh viên học tập hiệu quả hơn.

Xuất phát điểm là một sinh viên rất bình thường nhưng đến với nghiên cứu khoa học từ sớm, sau 4 năm đại học, Quang Trọng Minh có 8 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI, sinh viên 5 tốt cấp T.Ư, tài năng trẻ Việt Nam năm 2020 và là thủ khoa đầu ra toàn trường...

Luôn không ngừng cố gắng

Quang Trọng Minh cho rằng: “Mình luôn thấy bản thân là người rất bình thường, vì thế trong quá trình học mình luôn thôi thúc bản thân phấn đấu. Nếu không có khả năng thiên phú nhưng luôn không ngừng cố gắng thì sẽ thu hẹp được khoảng cách với những người vốn dĩ rất giỏi”.
Minh kể gia đình có truyền thống bác sĩ và ai cũng giỏi, nhưng bản thân không giỏi được như vậy nên chọn ngành xét nghiệm. Vậy mà thi 2 năm đều không đậu. Thời gian đầu Minh bị trầm cảm nhẹ, sau đó bình tĩnh lại, em quyết định chọn học ngành công nghệ sinh học y - dược.
“Học ngành này cũng sẽ tìm kiếm những mô hình chẩn đoán, mô hình điều trị sớm cho những bệnh ung thư hoặc những bệnh lý phân tử khác ở người. Vì thế các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y sinh của mình cũng đều xuất phát từ tấm lòng muốn giúp đỡ người khác, muốn tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, muốn tăng khả năng sống sót cho người bệnh...”, Minh chia sẻ.

Mình biết được giá trị một ngày ba mẹ phải tốn biết bao nhiêu tiền lo cho mình nên luôn cố gắng làm sao để học cho đáng một ngày đến trường, và lúc nào lên lớp cũng cố gắng tập trung tối đa nhất có thể

Quang Trọng Minh

Từ câu chuyện chọn ngành của mình, Minh cho rằng khi chọn ngành cần có định hướng từ trước và khi biết mình không đủ khả năng để theo học đúng ngành yêu thích thì có thể chọn một ngành khác nhưng có sự liên quan hoặc gần với nhau.

Học cho đáng một ngày đến trường

Cho rằng xuất phát điểm từ một người rất bình thường nên Minh luôn có cách học riêng để đạt được những thành quả đáng ngưỡng mộ.
“Mình thuộc dạng người cần cù bù thông minh, nên mỗi lần học bài mình phải viết ra rất nhiều và ghi chú lại. Những kiến thức na ná nhau thì mình sẽ vận dụng và lồng ghép vào những câu thành ngữ do mình tự chế để dễ học và nhớ được lâu”, Minh chia sẻ.
Điều đặc biệt theo Minh, mỗi bạn nên tìm cho mình một nguồn động lực để phấn đấu, và với em, đó chính là gia đình.
“Do cơ sở học ở Bình Dương, mỗi ngày mình đón xe buýt từ Q.Bình Thạnh xuống trường hết 30.000 đồng. Một ngày đã tốn 60.000 đồng cho việc đi xe buýt, rồi ba mẹ còn cho thêm tiền ở lại ăn trưa, học phí cũng cao... Mình biết được giá trị một ngày ba mẹ phải tốn biết bao nhiêu tiền lo cho mình nên luôn cố gắng làm sao để học cho đáng một ngày đến trường, và lúc nào lên lớp cũng cố gắng tập trung tối đa nhất có thể”, chàng thủ khoa bày tỏ.
Cũng theo Minh, điều mà sinh viên ngày nay cần lưu ý là phải luôn biết tự làm mới mình. “Nhiều sinh viên hiện nay cứ có cảm giác học từng đó kiến thức trên trường là đủ rồi, nhưng nếu suy nghĩ như vậy sẽ dẫn đến không cập nhật, làm mới bản thân mỗi ngày. Thế giới ngày nay vận động không ngừng, người ta sẽ thích một nhân viên có khả năng làm việc độc lập, cũng như tự biết làm mới mình, luôn cập nhật được nhiều cái mới hơn”.
Nghiên cứu khoa học để tìm cái mới
Với 2 năm liền đạt giải nhì giải thưởng sinh viên nghiên cứu cấp bộ và 8 công trình nghiên cứu được công bố quốc tế, điều mà Minh cho rằng tiên quyết nhất dẫn đến những thành công của bản thân đó chính là nghiên cứu khoa học.
“Mình may mắn được vào phòng thí nghiệm sớm, được có cơ hội làm nghiên cứu khoa học từ sớm và đây chính là bước đệm để mình trang bị thật nhiều kỹ năng. Như khi thuyết trình trước hội đồng cũng phải học kỹ năng, khi quan sát, biện luận, biện chứng kết quả mà mình nghiên cứu được thì đó cũng là một kỹ năng... Đặc biệt là, học được cách nhìn khoa học từ các công trình nghiên cứu của mình, giúp mình có bộ óc khoa học để học tập tốt và hiệu quả nhất”, Minh tâm huyết.
Chàng thủ khoa khẳng định thêm: “Hiện nay nhiều sinh viên chọn cách học xong rồi đi về, thấy kiến thức trên lớp như vậy là vừa. Nhưng với mình, luôn thấy kiến thức không bao giờ là đủ nên tìm đến nghiên cứu khoa học vì đề tài nghiên cứu của các năm sẽ khác nhau; tính mới, sáng tạo và độc đáo của mỗi đề tài cũng khác nhau. Vì thế làm nghiên cứu khoa học mình thấy bản thân luôn mới, luôn sáng tạo không ngừng”.
Minh cho rằng nghiên cứu khoa học sớm là bước đệm rất tốt để sinh viên có thể bay cao, bay xa hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.