Bay đến ước mơ - Kỳ 3: Thủ khoa trường kiến trúc thích làm... bác sĩ

20/08/2013 09:00 GMT+7

(TNO) Nghe tin con mình đỗ thủ khoa vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cha mẹ của Hồ Gia Phúc (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) rất tự hào nhưng cũng lo lắng.

(TNO) Đậu vào đại học đã là khó, trở thành thủ khoa còn khó hơn nhiều. Để tỏ sự trân trọng dành cho các thủ khoa, Thanh Niên Online phối hợp với Hãng hàng không Jetstar Pacific thực hiện chương trình Bay đến ước mơ, tặng tối đa 50 vé máy bay miễn phí một chiều cho các thủ khoa nhập học, tiếp sức cho các bạn trẻ trên con đường làm giàu tri thức, vươn tới những đỉnh cao trong cuộc sống.

Kỳ 3: Thủ khoa trường kiến trúc thích làm... bác sĩ

>> Bay đến ước mơ - Kỳ 1: Học giỏi chưa đủ để thành công
>> Bay đến ước mơ - Kỳ 2: Thủ khoa kép ở phố núi 

Nghe tin con mình đỗ thủ khoa vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cha mẹ của Hồ Gia Phúc (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP.Quy Nhơn, Bình Định) rất tự hào nhưng cũng lo lắng.

Căn nhà rộng chừng 24 m2 của gia đình của gia đình Phúc ở trong một hẻm nhỏ đường Đống Đa (P.Thị Nại, TP.Quy Nhơn, Bình Định). Sau nhiều năm không được sửa chữa, tường vôi loang lổ khắp nơi, ván lót sàn gác lửng cũng mục nát, ẩm thấp nhiều chỗ.

Thủ khoa trường kiến trúc thích làm bác sĩ
Phúc kèm các em nhỏ hàng xóm học tại nhà

Dù vậy, gia đình của Phúc luôn được bà con trong xóm kính phục vì truyền thống hiếu học và nề nếp.

Cha của Phúc là ông Hồ Xuân Anh, đang dạy ngoại ngữ tại Trường THCS Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định); mẹ của Phúc là bà Ngô Thị Mỹ Dung, giáo viên của Trường tiểu học Đống Đa (TP.Quy Nhơn).

Trong số 4 chị em của Phúc, người chị đầu là Hồ Thị Mỹ Ngân, hiện là sinh viên năm 4 Trường ĐH Y dược TP.HCM; chị thứ 2 là Hồ Thị Ngọc Châu, sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và một người em đang học lớp 8.

Mỗi khi đến kỳ nghỉ hè, chị em của Phúc thường dạy kèm cho các trẻ em hàng xóm mà không lấy học phí. Lớp học này thường xuyên có khoảng 10 em theo học.

Thủ khoa trường kiến trúc thích làm bác sĩ
Phúc và mẹ

Suốt những năm học phổ thông, trừ năm lớp 10, Phúc đều đạt thành tích học tập loại giỏi. Bí quyết học tập của Phúc là nắm vững kiến thức, bài tập trong chương trình sách giáo khoa và lên mạng tìm đề các môn để giải.

Bà Ngô Thị Mỹ Dung cho biết: “Cách đây 4 năm, thấy Phúc ham học nhưng lại không có máy tính nên một người chị họ đã cho Phúc máy tính cũ của mình. Gia đình dành cho Phúc phòng học biệt lập trong nhà cùng với chiếc máy tính có kết nối mạng internet để em chuyên tâm học tập. Ngoài thời gian học ở trường ban ngày, Phúc thường thức rất khuya để học bài, thậm chí có đêm em thức đến 0 giờ. Chiếc máy tính luôn là người bạn đồng hành của Phúc trong quá trình học tập”.

Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Phúc thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đạt 26,5 điểm (toán 9; lý 7,75 và hóa 9,5) và thi vào Trường Đại học Y dược TP.HCM đạt 27,5 điểm (toán 8; hóa 9,5; sinh 10).

Thủ khoa trường kiến trúc thích làm bác sĩ
Góc học tập của thủ khoa Hồ Gia Phúc

Phúc tâm sự: “Sau khi thi xong, đối chiếu với đáp án của Bộ GD-ĐT, em biết là mình thi đạt điểm cao và có khả năng đỗ đại học. Thật bất ngờ là một người bạn học gọi điện báo là em đỗ thủ khoa của Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Em và các thành viên trong gia đình đều vỡ òa niềm vui. Hiện em đang phân vân không biết chọn theo học trường nào. Ước mơ của em là được làm bác sĩ”.

Bà Dung kể: “Hồi Phúc đang học lớp 5, trong một bữa ăn, cha mẹ có hỏi Phúc thích làm nghề gì. Em không trả lời mà chỉ hỏi lại làm bác sĩ học có lâu không mẹ. Bây giờ thì Trường ĐH Kiến trúc hay Đại học Y dược đều có chị của Phúc theo học nên em nó muốn chọn ngành nào cũng được”.

Tổng cộng 2 suất lương của ông Anh và bà Dung được khoảng 12 triệu đồng thì một nửa trong đó là để dành cho 2 người chị đang theo học tại TP.HCM, còn lại để nuôi gia đình. Trong năm học tới, Phúc cũng sẽ vào học tại TP.HCM nên bố mẹ rất lo lắng.

“Dù kinh tế gia đình rất eo hẹp nhưng 4 chị em của Phúc đều rất ham học, ý thức tự học cao nên vợ chồng tôi rất yên lòng. Dù có khó khăn đến mấy thì vợ chồng tôi cũng quyết nuôi các em học hành đàng hoàng. Nếu khó khăn, túng thiếu thì chúng tôi đi vay mượn tiền để lo cho các em”, bà Dung nói.

Bài, ảnh: Hoàng Trọng

>> Thử sức mà đỗ thủ khoa
>> Ước mơ của thủ khoa
>> Gặp 6 thủ khoa cùng học một lớp
>> Khoa Y (ĐHQG TP.HCM) có 3 thủ khoa cùng học trường dân lập
>> Chân dung thủ khoa
>> Thủ khoa 'kép' xứ Thanh sẽ theo học trường y
>> Ba thủ khoa ĐH Huế đều thi vào ngành y đa khoa
>> Chàng thủ khoa có cuộc sống tự lập

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.