'Bắt bệnh' tâm lý học trò

13/03/2017 10:01 GMT+7

Hàng nghìn học sinh khối THPT tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vừa được các chuyên gia tâm lý “lên dây cót” tinh thần để vững vàng đối diện trước những áp lực của kỳ thi THPT, xét tuyển ĐH, CĐ đang đến gần.

Chiều qua 12.3, đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý giàu kinh nghiệm đã có buổi tư vấn tâm lý trực tiếp cho học sinh THPT, cùng với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn du học, hướng nghiệp. Đây là hoạt động rất bổ ích trong khuôn khổ chương trình Tư vấn mùa thi 2017 của Báo Thanh Niên tổ chức tại TP.Đà Nẵng.
Tự tin “thi là đậu”
Buổi tư vấn được dẫn dắt bởi thầy Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng), người nổi tiếng “bắt bệnh” tâm lý học trò, được nhiều thế hệ học sinh của Đà Nẵng tin cậy. “Cứ tự tin thì thi là đậu”, thầy Vương khẳng định khi “nắm” được tâm lý có phần hoang mang của học sinh. Theo giải thích của thầy Vương, một khi học sinh chủ động trang bị những kiến thức cần thiết, tìm hiểu ngành nghề định theo học và tương lai, xu hướng thị trường của ngành nghề đó...
Nhưng khi đã chuẩn bị tất cả mà... vẫn run, vẫn sợ thì làm thế nào? Làm sao để bình tĩnh trước khi bước vào phòng thi?... Hàng loạt câu hỏi được các bạn học sinh đặt ra và cần các chuyên gia tâm lý tháo gỡ. TS Bùi Văn Vân vào thẳng vấn đề: “Ngày thi, các em đến và làm quen với phòng thi, không gian thi, kiểm tra để các thủ tục không sai sót, suôn sẻ và thuận lợi. Khi mọi thứ diễn ra thuận lợi thì đọc kỹ đề và giải từ câu dễ để duy trì thuận lợi đó”. TS Vân không quên nhắc nhở các bạn học sinh nếu rơi vào tình trạng căng thẳng thì cách duy nhất là cố gắng duy trì hơi thở đều đặn...

Bên cạnh việc chia sẻ áp lực với kỳ thi, các chuyên gia còn giúp “gỡ” cả những tình huống khó xử khi không thể cân bằng được sở thích cá nhân và nguyện vọng của phụ huynh. “Em thích học kinh tế, nhưng bố mẹ cứ muốn em học sư phạm mầm non, làm sao thuyết phục được bố mẹ?”, một học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) hỏi. Theo thầy Vương, các bạn nên “đặt lên bàn cân” tính để tính toán cụ thể đâu là sở trường, năng lực và sự hiểu biết về ngành nghề của mình, từ đó “thuyết phục” bố mẹ ủng hộ sự lựa chọn cho công việc tương lai của con.
Lập fanpage tư vấn
Tại buổi tư vấn trực tiếp, nhóm tư vấn viên, cũng là các giáo viên, chuyên viên ngành giáo dục đã chia sẻ fanpage tư vấn tâm lý mùa thi cho các em mang tên Vượt qua áp lực thi cử. Đây là fanpage đồng hành cùng các bạn học sinh xuyên suốt trước, trong và sau kỳ thi. Không chỉ tư vấn cho từng trường hợp cụ thể, các chuyên gia còn chia sẻ những bài trắc nghiệm giúp phụ huynh, học sinh chọn nghề, chọn ngành học phù hợp. Đó là trắc nghiệm mức độ hạnh phúc dành cho cả học sinh và phụ huynh, trắc nghiệm mức độ tự tin và phong cách học tập.
Ngay khi fanpage vừa hoạt động, đã có bạn Hạnh Phan hỏi: “Thời gian giải lao của tổ hợp môn là 10 phút, thời gian làm bài chỉ 50 phút trên 40 câu, vậy cách nào để khỏi áp lực thời gian?”. Lập tức, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Hằng Phương đang ngồi bàn tư vấn vẫn kịp chia sẻ rất gọn khiến không ít bạn theo dõi thở phào: “10 phút giải lao để “tạm quên” những gì vừa làm, xốc lại tinh thần, “gọi” kiến thức môn sắp đến”.

Cùng tham gia tư vấn ở fanpage, thầy Hoàng Vương cũng không quên “bắt bệnh” học mà không thuộc, ghi mà không nhớ của nhiều học sinh bây giờ, đó là “bệnh” học cùng smartphone. Theo thầy Vương, việc các bạn để điện thoại thông minh trên bàn, 3 giây lướt một lần, cứ đèn nhấp nháy là cầm lên tay... khiến các bạn không thể tập trung.
Tại buổi tư vấn tâm lý và hướng nghiệp, các chuyên gia tư vấn giáo dục quốc tế đến từ các Công ty TNHH giáo dục quốc tế Thời Mới (Nhật Bản), Công ty giáo dục IDP (Úc), Công ty giáo dục Toàn Cầu (Mỹ)... cũng góp nhiều lời khuyên. “Nếu muốn du học, các bạn nên chủ động nghiên cứu chọn ngành, chọn trường, nghiên cứu và trắc nghiệm nghề nghiệp, chi phí học tập ở nơi muốn đến, xác định ngành mình mong muốn, đam mê”, một chuyên tư vấn du học Mỹ đến từ Công ty giáo dục Toàn Cầu cho biết.

tin liên quan

Hộp thư Tư vấn 24/7: Mất học bạ có được dự thi?
Em học hết lớp 12 năm 2011, bây giờ em muốn dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên em đã mất học bạ THPT bản gốc. Vậy có cách nào để em tiếp tục đăng ký dự thi không? (quangbao1993@gmail.com)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.