Bao giờ các trường ĐH hoàn toàn 'rời' bộ chủ quản?

Việc Bộ GD-ĐT nới lỏng hay xóa bỏ cơ chế chủ quản trong ĐH là rất cần thiết trong hiện tại, đúng xu thế phát triển hội nhập tạo nên quyền tự chủ cho các ĐH hơn.

30 bộ ngành, 6 tỉnh thành quản lý các trường ĐH
Đến nay có trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kinh tế quốc dân và ĐH Bách khoa Hà Nội được Bộ GD-ĐT yêu cầu xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản trình Bộ để báo cáo Chính phủ phê duyệt. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép 13 trường ĐH công lập được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (tự chủ), theo tinh thần của Nghị quyết 77/NQ-CP mà Chính phủ ban hành vào tháng 10.2014. Đó là các trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Tài chính - marketing, ĐH Ngoại thương, ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội, ĐH Mở TP.HCM, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ĐH Điện lực, Học viện Nông nghiệp VN và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông. Như vậy, vẫn còn nhiều trường đã tự chủ vẫn chưa được “rời” cơ quan chủ quản nào đó.

Vào năm 2006, Bộ GD-ĐT chủ quản 35/hơn 100 trường ĐH (35%), đến năm 2016, Bộ đã chủ quản 53/234 ĐH trong cả nước (23%). Hiện có 30 bộ, ngành và 6 tỉnh, thành trực tiếp quản lý các ĐH công lập (chưa kể các trường quân đội, công an).
Giao toàn quyền cho hội đồng trường
Bộ GD-ĐT chỉ nên làm chức năng thanh tra, kiểm định chất lượng ĐH chứ không phải quản lý từng việc ở các trường ĐH. Xóa cơ chế cơ quan chủ quản đồng nghĩa với việc tách chức năng sở hữu ĐH công của Bộ, giao toàn quyền cho Hội đồng trường, là đại diện của nhà nước trong trường ĐH công. Lúc bấy giờ, vai trò của Hội đồng trường sẽ rõ nét hơn, có thực quyền hơn…
Trên lý thuyết, có thể thấy mỗi ĐH là một pháp nhân riêng lẻ. Những ĐH này không thể nhận lệnh trực tiếp từ chủ tịch tỉnh, thành phố hay bộ trưởng mà là của Hội đồng trường giống như Hội đồng quản trị của ĐH ngoài công lập, chủ sở hữu ĐH. Chủ sở hữu này có quyền phân bố nhân sự, tài chính cũng như chiến lược học thuật. Lúc đó, ĐH hoạt động theo Hiến pháp, theo luật pháp mà gần nhất là luật Giáo dục ĐH và theo quy chế của bản thân ĐH đó. Nếu ĐH nào vi phạm thì sẽ bị bất cứ cá nhân hay tập thể nào đó thưa ra tòa án để được xét xử theo quy định pháp luật. Bất cứ ai cũng có quyền thưa ĐH ra tòa nếu ĐH ấy hành xử sai luật.
Cần những chính sách cụ thể

Dự luật Giáo dục ĐH sửa đổi có nới rộng về quyền bổ nhiệm nhân sự cấp cao trong các ĐH nhưng theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD-ĐT-Quyết định số 5099/QĐ - BGDĐT ngày 19.11.2012. Trong đó, nội dung điều 1 là quy chế này quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD-ĐT bao gồm: giám đốc, phó giám đốc ĐH học vùng, học viện, viện trưởng, phó viện trưởng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD-ĐT. Sau khi đã theo đúng quy trình 3 bước thì trình Bộ trưởng, Ban Cán sự Đảng của Bộ xem xét, mới ra quyết định bổ nhiệm.
Vậy nếu các trường ĐH “rời” khỏi cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT thì quy chế nêu trên có thay đổi không? Như thế chủ trương “xóa mô hình bộ chủ quản” của nhà nước cần phải được văn bản hóa bằng những chính sách cụ thể.
Xóa mô hình cơ quan chủ quản sẽ giúp cho các ĐH được “cởi trói”, tự chủ về tài chính, học thuật và nhất là nhân sự như 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM đã phát triển tốt trong những năm vừa qua. Tuy nhiên cũng cần có thời gian, có quy trình, từng bước và nhất là Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn cởi bỏ vị trí chủ quản của Bộ trong 53 trường ĐH mà Bộ đang trực tiếp là cơ quan chủ quản để làm điển hình cho các cơ quan chủ quản ĐH khác.
Ý kiến:
Nên bỏ cơ chế bộ chủ quản các bộ ngành khác
Nên bỏ hẳn khái niệm về cơ chế “bộ chủ quản” với tất cả các trường ĐH. Trong đó, trước hết là bỏ bộ chủ quản của các trường ĐH đang trực thuộc các bộ ngành khác vì thực tế các trường này hiện đang phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” của cả bộ chủ quản và Bộ GD-ĐT.
Còn các trường đang trực thuộc Bộ GD-ĐT thì bộ này cũng không phải là cơ quan chủ quản mà chỉ là cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy là chuyển từ khái niệm “trực thuộc” sang “quản lý” với tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Khi đó, các trường có đủ khả năng tự chủ, bộ giao dần quyền tự quyết mà không cần xin ý kiến bộ như trước đây. Các trường sẽ phát triển như mô hình ĐH quốc gia hiện nay. Dù không trực thuộc bộ ngành nào, giám đốc ĐH này do Thủ tướng bổ nhiệm nhưng không thể tách rời sự quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống (Nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)
Nên mở rộng ra nhiều trường
Đồng ý với chủ trương bỏ bộ chủ quản với các trường ĐH, không chỉ 3 trường mà nên mở rộng ra nhiều trường hơn. Mỗi trường đào tạo nhóm ngành nghề khác nhau, ngay trong cùng nhóm ngành nghề cũng cần định hướng đào tạo khác nhau để cạnh tranh. Khi đó, các trường muốn tồn tại buộc phải vận động để thu hút người học, chẳng hạn chủ động trong xây dựng chương trình đào tạo. Trong khi đào tạo phải theo yêu cầu của thị trường nhưng các trường vẫn phải tuân theo các quy định chung về quản lý nhà nước, thậm chí những quy định cứng nhắc thì thật mâu thuẫn.
TS Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN)
Tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục
Có hay không có bộ chủ quản thì vấn đề quan trọng nhất hiện nay với các trường là tháo gỡ được các vướng mắc về thủ tục thì mới phát huy được tính tự chủ toàn diện.
Mà muốn vậy thì cần thiết phải giao toàn quyền quyết định cho Hội đồng trường theo đúng tinh thần của luật Giáo dục ĐH. Trong đó, chủ tịch Hội đồng trường phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và đơn vị quản lý trực tiếp. Khi đó, Hội đồng trường sẽ là cơ quan chủ quản cao nhất để quyết định mọi vấn đề hoạt động và phát triển của trường. Tránh tình trạng tự chủ nhưng vẫn “vướng” các cơ chế như hiện nay, đặc biệt là trong vấn đề phê duyệt các dự án đầu tư.
Đại diện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
Hà Ánh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.